Làm nông đâu chỉ dựa vào công nghệ cao

Làm nông đâu chỉ dựa vào công nghệ cao
TP - Công nghệ hiện đại, ứng dụng thời thượng… nhưng nếu nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, chú trọng số lượng mà không quan tâm đến chất lượng thì dù có công nghệ cao đi chăng nữa, sản phẩm cũng tắc đầu ra. Đây là chia sẻ của kiều bào khi góp ý về nông nghiệp công nghệ cao (NN CNC) tại TPHCM ngày 19/10.

Ông Tony Lâm (kiều bào Mỹ) – Tổng giám đốc công ty TNHH Nông nghiệp và Công nghệ cao U.S farm đặt câu hỏi: “Tôi thấy Việt Nam đang nhập bắp (ngô), đậu nành từ Mỹ và Brazil giá trị 2,5 tỷ USD. Tại sao phải nhập số lượng bắp lớn như vậy?”.

Làm nông đâu chỉ dựa vào công nghệ cao ảnh 1 Nhiều Việt kiều về Việt Nam đầu tư nông nghiệp sạch (sản phẩm nấm sạch của Việt kiều Mỹ Tony Lâm).

Manh mún, nhỏ lẻ

Theo ông Lâm, Việt Nam kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng lại đòi hỏi máy móc nhập vào phải được sản xuất từ năm 2011 trở lại đây. Những máy móc đó giá có thể lên tới cả chục tỷ đồng, mà một ê-kip làm NN CNC phải cần tới 10 máy như vậy, nên gây khó khăn cho nhà đầu tư. “Vì vậy tôi mong có những chính sách thuận lợi cho cả người nông dân lẫn nhà đầu tư là Việt kiều như chúng tôi”- ông Lâm kiến nghị. 

Cũng tâm tư khi giống hoa trong nước rất tốt nhưng bà con nông dân vẫn nhập giống của Thái Lan để trồng, ông Dương Hoa Xô – Phó giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM nói: “TPHCM đã ứng dụng công nghệ cao để chọn tạo ra các giống cây và con có năng suất tốt, giá rẻ. Thế nhưng nông dân vẫn chọn “hàng” ngoại”.

Nhiều kiều bào cho rằng, nông nghiệp trong nước vẫn còn lạm dụng chất bảo vệ thực vật khiến nông sản thiếu chất lượng, ô nhiễm môi trường; việc canh tác còn nhỏ lẻ, phí phạm lao động, tài nguyên đất và nguồn nước; hơn 40% nông sản hư hỏng do thu hoạch, vận chuyển và tồn kho không đúng quy trình, phương pháp đóng gói, bao bì; nhiều tầng lớp thương lái và trung gian làm giảm thu nhập cho nông dân; nông sản và thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc.

Nông nghiệp trong nước dù đã hiện đại hơn vẫn còn tình trạng “mạnh ai nấy làm, theo ông Nguyễn Trí Dũng (kiều bào Nhật) - Giám đốc công ty Minh Trân. “Chúng ta nghiên cứu nhiều lắm, hội nghị hội thảo cũng nhiều nhưng làm thì không bao nhiêu. Công nghệ người Việt cũng giỏi nhưng tính tập thể của chúng ta so với Nhật không cao. Con người mới là vấn đề trong nông nghiệp chứ không phải kỹ thuật” – ông Dũng nói.

Ông Dũng cho rằng nông dân rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho nông nghiệp. Trong khi người không làm trong lĩnh vực nông nghiệp lại được vay nguồn vốn này. Đây là rào cản lớn với nông dân muốn đầu tư vào NN CNC. Bên cạnh đó, tỷ lệ phân phối thu nhập chưa thỏa đáng. Đơn cử như ở Nhật, khi giá thị trường 100% thì người nông dân sẽ hưởng từ 70 – 80%, còn Việt Nam thì chỉ hưởng khoảng 20 – 30%. Vì vậy, nông nghiệp chỉ phát triển được khi nào nhà nước hỗ trợ nông dân, để họ có thể làm giàu được với nghề.

Nhiều thách thức

TS công nghệ sinh học Nguyễn Quốc Bình (kiều bào Canada) cho rằng, nông nghiệp TPHCM phải phục vụ thị trường TPHCM, sản phẩm phải có chứng nhận từ nguồn nước, giống, quá trình sản xuất, thuốc trừ sâu, thức ăn…, siêu thị nhập hàng phải có giấy chứng nhận mới được bán. Đây là những yêu cầu mà người sản xuất muốn bán được hàng phải đáp ứng buộc họ phải làm NN CNC. Khâu chế biến sau thu hoạch chưa được chú trọng, mới chỉ trồng rồi bán chứ không chế biến nên giá trị thấp.

TS Nguyễn Quốc Vọng (kiều bào Úc) – Trường Khoa học ứng dụng, ĐH RMIT (Úc) cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Thứ nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm, đây là yêu cầu của cả thế giới. Bởi vậy, nếu chúng ta không chặt chẽ trong vấn đề này thì không thể cạnh tranh được với các nước khác. Thứ hai là thách thức từ biến đổi khí hậu, do đó cần chuyển dần cơ cấu cây trồng. Việt Nam là nơi phù hợp trồng nhiều loại cây trồng, nên rau quả sẽ là thị trường rất tiềm năng.

Theo ông, người nông dân Việt Nam nên sản xuất theo chuỗi giá trị: xác định thị trường tiêu thụ, chọn giống, canh tác, đóng gói, bảo quản, xuất hàng. Ở mỗi giai đoạn đều áp dụng những công nghệ phù hợp. “Công nghệ cao trong nông nghiệp không nhất thiết phải là công nghệ tiên tiến nhất, đắt tiền nhất hay nổi tiếng nhất, mà là công nghệ mang lại năng suất cao nhất, chất lượng tốt nhất, an toàn với giá rẻ nhất để thỏa mãn yêu cầu của thị trường” - TS Vọng nói.

Vai trò của TPHCM chưa tương xứng với tiềm năng đang có, từ công nghệ, năng lực quản lý cho tới thị trường đầu ra cho sản phẩm NN CNC - ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NNPTNT TPHCM thừa nhận. “Tiếp thu các ý kiến đóng góp của kiều bào, Sở Nông nghiệp nói sẵn sàng làm cầu nối chuyển giao và mong muốn nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư từ trí thức trong và ngoài nước để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và đời sống của nông dân TP” - ông Trung cam kết.

MỚI - NÓNG