Báo Asian Times:

Lạm phát cao đe dọa ổn định xã hội và kinh tế vĩ mô ở Việt Nam

Lạm phát cao đe dọa ổn định xã hội và kinh tế vĩ mô ở Việt Nam
TP - Trong bài bài phân tích dài 5 trang của nhà báo Andrew Symon đăng ngày 17/3, tờ Asian Times (Thời báo châu Á) cho rằng lạm phát cao đang đe doạ sự ổn định xã hội và kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Theo báo này, lạm phát cao ở Việt Nam không chỉ do tình hình chung của toàn cầu mà còn bởi những yếu tố nội tại.

Nguy cơ

Theo Asian Times, quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường của Việt Nam đối mặt với những thách thức mới bởi lạm phát leo thang.

“Tháng 2 (2008), mặt bằng giá cả so với năm trước tăng 15,7%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua và hiện là tỷ lệ cao nhất tại các nước đang công nghiệp hóa ở Đông Á.

Tỷ lệ lạm phát “vọt” lên 2 con số trong 5 tháng qua đang đe doạ sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định về xã hội và kinh tế vĩ mô đã được đặt nền móng bằng tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trên 8% trong 5 năm qua”, Asian Times viết.

Asian Times cũng cảnh báo về “sự bất bình” đang gia tăng trong các khu công nghiệp do giá cả leo thang. Theo tờ báo, số lượng các cuộc đình công của người lao động xung quanh vấn đề tiền lương và điều kiện làm tại các khu công nghiệp gia tăng trong thời gian gần đây. 

Asian Times ca ngợi hàng loạt chính sách “mở” về tài chính, tiền tệ trong những năm qua giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất và đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, tờ báo cũng viết: “Giờ đây sự ổn định về kinh tế vĩ mô đang đối mặt nguy cơ”.

Nguyên nhân nội tại

Tờ báo khẳng định, Việt Nam không phải là nước châu Á duy nhất đối mặt với sức ép lạm phát, nhưng tỷ lệ cao gần gấp đôi so với các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực: Lạm phát ở Trung Quốc ở mức 7,1% và Indonesia là 7,4%.

Theo tờ báo, “nền kinh tế tăng trưởng quá nóng cũng đang làm đảo lộn cán cân thanh toán với sự thâm hụt lớn về thương mại khi nhập khẩu tăng vọt. Trong 2 tháng đầu năm 2008, thâm hụt lên tới 4,2 tỷ USD, so với 12,4 tỷ USD của cả năm 2007; 4,8 tỷ của năm 2006”.

Asian Times cho rằng vấn đề lạm phát gia tăng của Việt Nam một phần do các yếu tố trên thị trường toàn cầu, bao gồm giá lương thực và xăng dầu tăng nhanh.

Tuy nhiên, tờ báo cũng nhấn mạnh rằng những sức ép này còn do những nhân tố nội tại, bao gồm dòng vốn nước ngoài đổ vào quá nhanh, nguồn cung tiền tệ trong nước dồi dào và còn liên quan đến sự thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý, điều hành các thách thức kỹ trị kiểu này.

Asian Times dẫn lời chuyên gia kinh tế cấp cao của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Jonathan Pincus rằng Chính phủ cần đặt mục tiêu giảm lạm phát xuống dưới 10% để giữ được niềm tin của giới kinh doanh, đầu tư; duy trì khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu và cuộc sống của người nghèo không bị ảnh hưởng xấu.

“Là một tai họa lớn nếu lạm phát trên 10%. Việt Nam cần thừa nhận rằng có những vấn đề toàn cầu, nhưng cũng có những vấn đề rất cụ thể đối với Việt Nam và cần được giải quyết ở Việt Nam”, ông Pincus nói.  

T.Đ
 Theo Asian Times

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).