Làm rõ đơn tố cáo vụ tham nhũng lớn ở Cty Hacisco

Làm rõ đơn tố cáo vụ tham nhũng lớn ở Cty Hacisco
TP - Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng vừa có ý kiến, yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo, kiểm tra làm rõ nội dung tố cáo đối với TGĐ Cty cổ phần xây lắp Bưu điện Hà Nội (Hacisco).
Làm rõ đơn tố cáo vụ tham nhũng lớn ở Cty Hacisco ảnh 1
CV của VPCP và các chứng từ tố cáo vụ “rút ruột” công trình ở Hacisco

Theo đơn tố cáo, TGĐ Hacisco đã có biểu hiện tham nhũng, có hành vi trù dập đối với người tố cáo và đấu tranh chống tiêu cực. Bộ Công an báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2006…

Lập chứng từ khống “rút ruột” công trình hơn 1,4 tỷ đồng?

Được biết, ý kiến chỉ đạo trên của Phó Thủ tướng xuất phát từ việc, Văn phòng Chính phủ nhận được đơn tố cáo của bà Trần Thị Hòa, nguyên phụ trách kế toán XN xây lắp bưu chính viễn thông số 1 (thuộc Cty CP Xây lắp bưu điện Hà Nội-Hacisco).

Theo tìm hiểu của Tiền phong, người lao động đã tố cáo việc lập khống chứng từ để “rút ruột” trên 1,4 tỷ đồng ở 2 công trình mà xí nghiệp thi công ở Thái Bình năm 2003 - 2005.

Ngoài ra, ông Đỗ Đình Tấn, PGĐ Xí nghiệp Xây lắp bưu chính viễn thông số 1 (một trong 8 đơn vị thành viên của Hacisco) cũng có đơn tố cáo (kèm chứng từ, tài liệu liên quan để chứng minh) gửi C15 (Bộ Công an) nêu rõ: 

Ông Nguyễn Ngọc Hảo - GĐ xí nghiệp này được ông Phạm Hữu Xuân - TGĐ Hacisco giao làm Chủ nhiệm thi công công trình mạng cáp Bưu điện thị xã Thái Bình (giai đoạn 2003-2005) gồm 2 gói thầu xây lắp trạm HOST1 (kế hoạch 24903) và trạm HOST2(kế hoạch 25003).

Hai công trình này đã nghiệm thu bàn giao cho chủ đầu tư và đưa vào sử dụng, đã quyết toán và thanh toán đến 95% giá trị công trình, hạch toán và báo cáo thuế (5% còn lại là bảo hành công trình).

Song, ông Hảo đã “rút ruột” công trình hơn 1,4 tỷ đồng (tổng giá trị hợp đồng 2 công trình này hơn 5,4 tỷ đồng), thể hiện ở việc lập 2 bộ hợp đồng với chủ thầu phần thuê nhân công ngoài và lập chứng từ, hóa đơn khống nâng chi phí nhân công và vật tư để rút tiền.

Ông Hảo đã ký hợp đồng với chủ thầu phần nhân công thuê ngoài (ông Đ.V.T) với đơn giá thực tế (gồm cả trông coi vật liệu và xúc đất thừa), đã kiểm tra xác nhận và thanh toán cho ông Đ.V.T theo hợp đồng chỉ khoảng 300 triệu, nhưng khi nghiệm thu bàn giao và làm quyết toán, thì ông Hảo đã làm chứng từ khống để phù hợp với số tiền đã rút ra là trên 1,2 tỷ đồng.

Hai bộ hợp đồng, một lưu tại bên B (ông Đ.V.T) với đơn giá thực tế; một bộ lưu tại kế toán Xí nghiệp (được hợp thức hóa với đầy đủ chữ ký của phòng, ban, giám đốc đã thanh toán với đơn giá khống) đã chênh lệch nhau trên 1,4 tỷ đồng.

Với gói thầu HOST1 (24903) giá trị thanh toán thực tế cho người lao động chỉ là 216 triệu đồng, trong khi giá trị thanh toán theo chứng từ khống lưu tại phòng kế toán là hơn 793 triệu đồng (tức chênh lệch gần 572 triệu đồng).

Gói thầu HOST2 (25003), chênh lệch giữa giá trị thanh toán theo chứng từ khống lưu tại phòng kế toán (450 triệu đồng) với giá trị thanh toán thực tế (70 triệu đồng) là 380 triệu đồng. Đó mới chỉ là hạng mục nhân công ở 2 công trình, một nhóm lãnh đạo đã “rút ruột” hơn 954 triệu đồng.

Cũng ở 2 gói thầu này, phần chi phí chung (chi phí thuê kho bãi, thuê xe, máy, tiếp khách và vận chuyển đất thừa…) và chi phí vật tư với số tiền khá lớn cũng đã được Chủ nhiệm công trình hợp thức hóa bằng cách mua hóa đơn tài chính, hoặc mượn chứng minh nhân dân của người dân địa phương để làm hợp đồng, chứng từ khống. Và số tiền rút ra nhờ mua hóa đơn tài chính lên tới 355 triệu đồng.

Người trong cuộc nói gì?

Được biết, trong văn bản giải trình với C15, Bộ CA, ông Đ.V.T (người đã ký hợp đồng nhân công ngoài thi công 2 gói thầu) đã xác nhận: “Để nhận được tiền công trình mà mình đã thi công thuận tiện và có công trình để thi công tiếp, ông Hảo đã ép tôi ký 01 bộ hợp đồng khác, với đơn giá cao gấp nhiều lần bản thỏa thuận đã ký trước đó, kèm theo là biên bản xác nhận khối lượng, thanh lý hợp đồng và các giấy biên nhận tiền phù hợp với hợp đồng khống để ông Hảo hợp thức hóa thanh toán và quyết toán.

Ngoài ra tôi còn phải ký cả các biên bản, các hợp đồng và thanh lý hợp đồng trông coi và thuê địa điểm để vật tư khống với số lượng lớn hơn thực tế. (Tôi xin gửi kèm tài liệu để chứng minh).

Tổng số tiền tôi nhận được thực tế khoảng 300 triệu đồng, thế mà tôi phải ký khống với số lượng khoảng hơn 1,2 tỷ đồng nhân công. Toàn bộ 2 công trình trên chỉ một mình nhóm tôi thi công, không có bất cứ một bên B nào khác tham gia bất cứ công việc gì.

Tôi là người làm thuê và bị o ép nhiều về đơn giá, về tiến độ, về chất lượng và nhiều chuyện khác trong khi phải chấp nhận một đơn giá rẻ mạt”.

MỚI - NÓNG