Lần đầu tiên, Việt Nam trồng đại trà ngô biến đổi gene

Lần đầu tiên, Việt Nam trồng đại trà ngô biến đổi gene
TPO - Chiều 18/3, ông Phạm Đồng Quảng, Phó cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, Bộ vừa có quyết định công nhận đặc cách cho 3 giống ngô biến đổi gene (BĐG) được đưa vào sản xuất tại Việt Nam năm 2015. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam đưa giống ngô BĐG vào thương mại hóa. 

Theo đó, ba giống ngô BĐG là NK66 Bt (mang sự kiện chuyển gene Bt11)- kháng sâu đục thân, NK66 GT (mang sự kiện chuyển gene GA21)- kháng thuốc trừ cỏ và NK66Bt/GT (mang sự chuyển gene Bt11 và GA21)- kháng sâu đục thân và thuốc trừ cỏ.

Cả ba giống ngô trên đều của Cty Syngenta Việt Nam và được tạo ra từ giống nền là giống ngô NK66 của Cty này (hiện là giống ngô có diện tích lớn nhất ở Việt Nam).

Ông Kumar Datta, Tổng Giám đốc Cty Syngenta Việt Nam cho biết, Cty này sẽ đưa ngô BĐG trồng vụ đầu tiên ở Việt Nam tại Sơn La, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk vào giữa tháng 4/2015. “Đây chỉ mới là bước bắt đầu, chúng tôi có một bộ sản phẩm giống BĐG phong phú, sẽ giới thiệu đến nông dân Việt Nam vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau”- Ông Kumar Datta nói.

Tuy nhiên, theo ông Kumar Datta, thời gian đầu, Syngenta sẽ tập trung vào tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ, nông dân trồng loại ngô BĐG này, chưa đặt nặng vấn đề tăng diện tích và bán được nhiều giống. Hiện các giống ngô BĐG trên sẽ được nhập về từ nhà máy của tập đoàn Syngenta ở Philippines.

Theo kết quả khảo nghiệm ở Việt Nam, giống ngô BĐG NK66 Bt cho năng suất trung bình 9,24 tấn/h, vượt so giống nền (8,06 tấn/ha) 18,6%. Giống ngô K66 GT cho năng suất trung bình 8,43 tấn/ha, tương đương giống nền. Giống NK 66 Bt/GT cho năng suất trung bình 9,24 tấn/ha, vượt trội so với giống nền 7,76 tấn/ha, tăng từ 12,4-37,5%. Trong khi đó, về hiệu quả kinh tế, các giống chuyển gen cho hiệu quả từ 8-35% so với giống nền.

Tuy nhiên, theo ông Quảng, nói giống ngô BĐG tốt nhất khi trồng ở mọi lúc, mọi nơi thì không hẳn. “Giống ngô chứa gene Bt, nên ưu tiên trồng ở vùng, vụ có áp lực cao về sâu đục thân (lâu nay bà con phải dùng thuốc để diệt sâu đục thân, đục lá). Còn giống có gene GA21, ưu tiên dùng nơi bà con có tập quán phun thuốc trừ cỏ khi ngô được 3-4 lá; còn nơi bà con thường phun thuốc trừ cỏ khi gieo hạt, hiệu quả cũng không cao hơn giống nền”- ông Quảng nói.

Lãnh đạo Cục trồng trọt cho biết, năm 2014, diện tích ngô cả nước khoảng 1,77 triệu ha, sản lượng 5,6 triệu tấn. Tuy nhiên, hàng năm, VN nhập ngô lớn làm thức ăn chăn nuôi, trong đó năm năm 2014 là 4,3 triệu tấn. Việc phát triển cây ngô tăng diện tích, sản lượng là giải pháp để giảm nhập khẩu, đỡ tốn ngoại tệ.

Theo ông Quảng, ngoài 3 giống trên của Cty Syngenta, một số giống cả các tập đoàn khác, cũng đang quá trình khảo, kiểm nghiệm đang diện rộng, hẹp.

MỚI - NÓNG