Làn sóng 'người lạ' trong các doanh nghiệp Mỹ

Làn sóng 'người lạ' trong các doanh nghiệp Mỹ
Ngân hàng lớn nhất thế giới Citigroup vừa bổ nhiệm ông Vikram Pandit (gốc Ấn Độ) vào ghế Giám đốc điều hành (CEO) đã khẳng định xu thế ngày càng nhiều nhân vật có gốc gác từ các quốc gia khác nhau trên thế giới được đưa lên “ghế cao” trong các DN Mỹ.
Làn sóng 'người lạ' trong các doanh nghiệp Mỹ ảnh 1
Nhậm chức CEO tại Citigroup, Pandit trở thành người nước ngoài thứ 15 hiện đang điều hành các doanh nghiệp top 100 công ty lớn nhất nước Mỹ theo xếp hạng của tạp chí Fortune.

Nhậm chức CEO tại Citigroup, Pandit trở thành người nước ngoài thứ 15 hiện đang điều hành các doanh nghiệp top 100 công ty lớn nhất nước Mỹ theo xếp hạng của tạp chí Fortune.

Trong số các CEO không phải người Mỹ này còn có CEO của Altria Group - sinh tại Ai Cập, CEO của Pepsi - người Ấn, CEO của Liberty Mutual - người gốc Ireland và CEO của Alcoa - sinh tại Morrocco.

Số CEO người nước ngoài trong các doanh nghiệp Mỹ đã tăng mạnh trong 1 thập kỷ trở lại đây.

Vào năm 1996, có 9 trong số 100 CEO của các doanh nghiệp trong bảng xếp hạng của Fortune là người nước ngoài. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả là những CEO “người lạ” này tới từ những quốc gia đang phát triển, thay vì tới từ Canada hay châu Âu.

Nhiều trong số những CEO người nước ngoài này đã từng được những công ty lớn như General Electric và Procter & Gamble tin cẩn giao phó trọng trách điều hành chi nhánh nước ngoài vào những năm 1970 và 1980.

Và hiện nay, họ được đưa lên vị trí cao nhất ở nhiều doanh nghiệp lớn trong đó có Chiquita Brands International, Eastman Kodak và Kellogg. CEO của Dow Chemical, Altria và Alcoa cũng đã bắt đầu từ những chi nhánh của các tập đoàn này ở nước ngoài.

Một số CEO khác là những người tới Mỹ để học tập. CEO người Ấn Indra Nooyi của Pepsi học ở Đại học Yale; CEO Sidney Taurel của Eli Lilly sinh ra ở Morocco, học ở Đại học Columbia. Còn Còn tân Ceo Pandit của Citigroup có bằng tiến sĩ của Đại học Columbia.

Xu hướng thuê CEO không phải người Mỹ một phần phản ánh trọng tâm mà các doanh nghiệp Mỹ đặt vào các thị trường nước ngoài để tìm kiếm tăng trưởng.

Lần đầu tiên trong lịch sử, các công ty nằm trong chỉ số chứng khoán Standard & Poor's 500 được dự báo là sẽ đạt hơn một nửa doanh thu của họ từ các thị trường nước ngoài vào năm tới. Ngược lại, 6 năm trước, các công ty lớn của Mỹ chỉ thu được khoảng 1/3 doanh thu của họ từ thị trường ngoài Mỹ.

“Mặc dù có tổng hành dinh đặt tại Mỹ, những công ty này ngày càng ít nghĩ mình là những công ty Mỹ”, Michael Useem, một giáo sư về quản lý tại Đại học Pennsylvania, nhận định. Cũng theo vị giáo sư này, số lượng các quan chức cao cấp là người nước ngoài trong các doanh nghiệp Mỹ sẽ còn tăng ca.

Do ở nhiều trường kinh doanh tại Mỹ hiện nay có tới 40% sinh viên là người nước ngoài, và các công ty cũng có xu hướng tìm nguồn nhân lực cao cấp trên toàn thế giới chứ không riêng gì tại Mỹ.

Ông S. P. Kothari, Phó hiệu trưởng trường kinh doanh thuộc Viện Công nghệ Massachusetts nói:

“Xu hướng này không đồng nghĩa với việc người Mỹ có vấn đề. Chẳng qua là dân số Mỹ chỉ có 300 triệu người, trong khi trên thế giới có tới 2 tỷ người được hưởng sự giáo dục tốt. Do đó, người Mỹ sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với dân các nước khác để có được vị trí cao”.

Chính bản thân ông Kothari cũng là một người Ấn Độ trước đây tới Mỹ học quản trị kinh doanh. Ông cho biết, nhiều bạn học cũng là người nước ngoài tại Mỹ của ông từ đầu thập niên 1980 sau đó đã vào làm việc cho Citigroup, Goldman Sachs và Nike. Hiện nhiều người trong số họ đang rất có triển vọng được giao những trọng trách lớn trong các tập đoàn này.

Lợi thế của người “không phải Mỹ”

Bộ phận tuyển dụng nhân sự cao cấp tại nhiều công ty lớn như Korn/Ferry International cho biết, ban lãnh đạo của họ đang có xu hướng yêu cầu tìm kiếm các giám đốc có kinh nghiệm ở nước ngoài.

Mặt khác, các giám đốc người Mỹ cũng ngày càng có thời gian làm việc ở nước ngoài nhiều hơn. “Khi một ai đó được xem xét cất nhắc, điều chúng tôi quan tâm đầu tiên là người đó có kinh nghiệm ở nước ngoài không?” Susan Bishop, một đại diện của General Electric, cho biết.

Nhiều công ty lớn của Mỹ có truyền thống bổ nhiệm những người có gốc gác nước ngoài vào vị trí CEO. Tiêu biểu là Coca-Cola. Tuần trước, hãng này chọn Muhtar Kent, Chủ tịch kiêm Giám đốc hoạt động (COO) của tập đoàn này thay thế E. Neville Isdell ở vị trí CEO.

Isdell là người gốc Bắc Ireland nhưng lại chuyển tới Zambia sống khi còn nhỏ. Còn Isdell thì sinh ra tại Mỹ nhưng lại lớn lên ở Thổ Nhĩ Kỳ. Một số CEO trước đây của Coca-Cola trong đó có Roberto Goizueta và Douglas Daft, cũng là những người sinh ra ở nước ngoài.

M. Farooq Kathwari, CEO của công ty Ethan Allen Interiors, cho biết, ông được chọn vào vị trí này một phần là nhờ đã từng sống ở Kashmir, Ấn Độ tới năm 21 tuổi trước khi chuyển tới Mỹ. “Một người sinh ra ở nước ngoài bao giờ cũng có bản năng của một doanh nhân. Khi tới một quốc gia khác, anh ta sẽ phát huy được bản năng đó”, Kathwari nói.

Kathwari cho biết, thời thơ ấu sống ở Kashmir, ông thường xuyên phải leo núi và chính điều này đã giúp ông rèn luyện sự nỗ lực. Cuộc xung đột chính trị ở đó cũng cho ông thấy được tầm quan trọng của sự công bằng. Hiện tại, công bằng chính là quy tắc lãnh đạo của ông ở Ethan Allen.

Theo Howard Anderson, một giáo sư về doanh nghiệp tại Viện Công nghệ Massachussets, các thành viên người Mỹ trong ban lãnh đạo của một số công ty có thể vẫn chưa thoải mái với các CEO người nước ngoài vì cảm thấy giữa họ không có nhiều điểm tương đồng.

Còn CEO Ramani Ayer của tập đoàn Hartford Financial Services, thì cho rằng, việc lựa chọn giám đốc nước ngoài là do ban lãnh đạo các doanh nghiệp chịu sự can thiệp của các cổ đông. Mà với các cổ đông, lợi nhuận là trên hết, nên họ sẽ chọn những ứng cử viên xuất sắc nhất mà không quan tâm đến chủng tộc hay gốc gác của người đó.

Bản thân Ayer là người Ấn Độ và ông cho biết, nguồn gốc xuất thân này đã đem đến cho ông những điều tuyệt vời, đặc biệt là tinh thần làm việc hết mình của người Ấn. “Làm việc là cách để chứng tỏ mình là ai”, ông nói.

Theo VnEconomy/IHT

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.