Làng bánh chưng vào Tết

Làng bánh chưng vào Tết
TP - Men đê sông Hồng, xe chạy khoảng chục cây số từ nội thành Hà Nội, chúng tôi về đến Tranh Khúc giữa cái lạnh thấu xương một chiều giáp Tết. Không khí Tết có lẽ đến với miền quê này sớm nhất Hà Nội.

Những ngày giáp Tết, làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội) đỏ lửa suốt ngày đêm để gói bánh chưng bán. Tranh Khúc, không những cung cấp hàng vạn chiếc mỗi ngày ra thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận mà còn bán ra nước ngoài.

Làng bánh chưng vào Tết ảnh 1
Người dân Tranh Khúc đang hối hả làm bánh

Nhộn nhịp vào mùa

Không khí Tết có lẽ đến với miền quê này sớm nhất Hà Nội. Thoảng trong gió buốt là mùi thơm đậm đà, ngầy ngậy của bánh chưng. Hàng chục xe ô tô, xe máy thồ hàng chở lá dong, than đá, gạo nếp vào làng.

Và cũng từng chuyến nối nhau đem ra những chiếc bánh chưng còn nóng đang bốc hơi nghi ngút. Nhà ai cũng chứa cả tấn gạo nếp, đậu xanh, còn lá dong thì phơi đầy sân, nước rửa lá tràn cả ra đường, già trẻ trong làng nhộn nhịp đãi gạo, đậu xanh, thái thịt để chuẩn bị nổi lửa.

Cụ Tuyền, một người sống lâu năm trong làng nói: Nghề gói bánh chưng của Tranh Khúc có từ lâu đời. Nhưng, khoảng 16 năm trước nghề làm bánh của làng mới có cơ hội phát triển như một làng nghề thực sự do thương nhân từ nội thành về làng đặt làm bánh.

Hiện nay, bánh của Tranh Khúc chiếm khoảng 80% thị phần bánh chưng ở Hà Nội, chủ yếu bán ở các chợ lớn như Đồng Xuân, chợ Hôm, Yên Phụ, Thanh Xuân, các nhà hàng, khách sạn... ngoài ra còn gửi đi các tỉnh lân cận như Hà Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang với khoảng 75% số hộ trên tổng số 400 hộ gia đình trong làng làm nghề gói bánh.

Cụ Tuyền còn nói: “Gia đình tôi còn xuất bánh đi được nước ngoài như Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Nga… do khách hàng đặt để gửi cho dân lao động hợp tác và cho người thân, giá cao hơn bình thường, chỉ có khoảng 10 nhà làm bánh lớn như nhà tôi mới có khách đặt như thế”.

Chị Hoa, nhà ở Xóm Mới vừa thoăn thoắt làm nhân bánh đậu xanh với thịt vừa tâm sự: “ Làng tôi có nhiều nhà làm bánh quanh năm nhưng ngoài rằm tháng Chạp mới bắt đầu bận rộn do lượng bánh tiêu thụ tăng lên hàng chục lần. Bình thường, các gia đình tự làm nhưng giáp Tết do sức mua tăng nên phải tuyển thêm người phụ, nhà làm nhỏ thuê thêm 5-6 người còn nhà làm lớn phải thuê thêm gần hai chục người mới làm xuể”.

Được biết, trong làng các “đại gia” làm bánh một ngày xuất trên hai ngàn chiếc, hộ nào quy mô nhỏ hơn cũng xuất không dưới một ngàn cái mỗi ngày.

Thường thì, các thương nhân đặt làm bánh, các gia đình phải thuê xe chở đi, đông nhất là vào sáng sớm. Chính vì vậy, hơn 300 nóc bếp trong làng lúc nào cũng rực lửa suốt ngày đêm. Làng Tranh Khúc hầu như không ngủ, nhất là từ thời điểm ngoài 20 âm lịch trở đi.

Giữ chữ tín trong cơn bão giá

Khi chúng tôi hỏi thăm về bí quyết thành công của nghề làm bánh, anh Nguyễn văn Thặng - một trong những người “làm ăn lớn” trong làng vui vẻ giải thích:

“Bánh chưng Tranh Khúc ngon và nổi tiếng ngay ở khâu chọn lựa nguyên liệu. Nó có đặc điểm ngon, rền do được gói từ gạo nếp cái hoa vàng (Nam Định) và nếp nhung (Hải Dương), đậu xanh đồ vừa chín, thơm và ngậy. Thịt lợn phải tươi, có đủ nạc mỡ và bì.

Lá dong thì được lấy từ vùng núi Yên Bái, Phú Thọ, Nghệ An…xanh và to bản, không rách, rửa sạch phơi khô mới gói. Chính vì thế, bánh của làng Hương được chọn làm vật dâng tế Vua Hùng vào dịp giỗ tổ (10-3 âm lịch) hàng năm”.

Cũng theo anh Thặng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, chính quyền thôn cũng như xã Dương Hà liên tục đi kiểm tra các nhà làm bánh. Đó cũng chính là bảo vệ VSATTP cho khách hàng cũng như giữ uy tín cho cả làng.

Nhưng làm thế nào giữ được uy tín về chất lượng trong khi giá cả nguyên liệu tăng chóng mặt, nguyên liệu tăng từ 2 đến 4 lần mà giá bánh không thể tăng lên gấp đôi? Đó cũng chính là điều đang làm người làm nghề trăn trở, anh Dũng là chủ một hộ làm bánh với 10 nhân công nói:

“Giá nguyên liệu cứ tăng như thế này chắc sang năm tôi bỏ nghề mất. Anh tính năm ngoái tôi mua có hơn 5 trăm ngàn một tấn than đá, năm nay phải mua với giá 1,8 triệu đồng/1 tấn.

Gạo nếp bình thường mua 4.500đ/ký, nay mua với giá 6.800đ/ký. Lá dong năm ngoái mua 10.000đ/1 trăm, vừa rồi tôi phải mua 18.000đ/1 trăm. Cũng năm ngoái tôi mua 27.000đ/ký thịt lợn vai, hôm qua phải mua giá năm nhăm, trong khi bánh chỉ tăng được từ 10.000đ/chiếc lên 12.000đ/chiếc, lời lãi ở đâu nữa”.

Không những thế, giá thuê nhân công cũng tăng lên gấp đôi. Được biết, năm ngoái anh Dũng thuê 10 nhân công là các cháu học sinh cấp 3 ở hai huyện Chương Mỹ, Thường Tín (Hà Tây) với giá 4 trăm ngàn đồng /10 ngày giáp Tết. Năm nay, ngoài cơm ăn 3 bữa phải trả 7-8 trăm ngàn đồng/10 ngày.

Những hộ gia đình làm lớn như anh Dũng (luộc liên tục 3 nồi bánh lớn với 300 chiếc mỗi nồi) mới trụ được còn những hộ làm nhỏ, lẻ không chịu được sự “tăng nhiệt” của giá cả đành tính chuyện bỏ nghề. Nhất là những hộ gia đình con cái lớn, đi làm công nhân cả họ sẽ không làm bánh chưng nữa.

Cũng theo anh Dũng, thông thường những năm trước một chiếc bánh trừ chi phí đi lãi 2.000đ, nhưng năm nay chưa chắc lãi nổi 900đ/chiếc. Mặc dù, giá bánh có tăng lên chút đỉnh ví dụ như loại 10.000đ/chiếc tăng lên 12.000đ/chiếc, loại 12.000đ/chiếc tăng lên 15.000đ/chiếc, cá biệt mới có khách đặt giá cao khoảng 30.000đ/chiếc.

Tức là giá cả nguyên liệu tăng trên 100% còn giá thành phẩm tăng không quá 30% vì tăng lên tương ứng hoặc ăn bớt nguyên liệu sẽ mất hết khách.

Bánh chưng nổi tiếng của Tranh Khúc đã đem lại sự ấm no, trù phú cho làng nhưng hôm nay cũng mang lại cho người dân bao nỗi suy tư. 

MỚI - NÓNG