Làng “Chúa chổm”

Làng “Chúa chổm”
TP - Chỉ trong vòng 5 năm, từ một ngôi làng trù phú nhất nhì xã Phước Hòa (Tuy Phước, Bình Định), Huỳnh Giảng trở thành một con nợ đầm đìa. Cơ sự xảy ra như thế tất cả cũng chỉ tại con tôm.

Nghề nuôi tôm ở Huỳnh Giảng là nghề truyền thống nuôi làng xóm từ xưa đến nay. Ông Trưởng thôn Võ Hữu Quế kể: “Đầm Thị Nại trước năm 2000 là “vựa tiền” cho làng Huỳnh Giảng.

Có những vụ trúng lớn, người làng tôi thu lãi bình quân 1ha là 70 – 100 triệu đồng/năm. Hồi đó, Huỳnh Giảng là lá cờ đầu trong làm ăn kinh tế ở xã này. Bây giờ thì cả làng “dắt nhau đi dưới bóng nợ nần”.

Làng Huỳnh Giảng với 520 hộ gia đình, gần 3.000 nhân khẩu thì đã có 400 hộ nuôi tôm, số dân còn lại không nuôi tôm cũng chỉ vì diện tích mặt hồ không còn đủ để canh tác.

Tính từ mùa tôm thất bại vào năm 2001 đến nay, số tiền mà cả làng nợ ngân hàng là 23 tỷ đồng vẫn chưa trả được một đồng tiền lãi. Ông Quế tính toán: “23 tỷ đồng đó chỉ là tiền nợ ngân hàng thôi đấy.

Lãnh đạo các cấp còn chưa biết đến những khoản nợ khác của dân đâu, nào là tiền vay nóng, vay nguội, lương thực, giống, tiền lãi... thôi thì hàng trăm thứ nợ. Cứ mỗi mùa tôm thất bại thì món nợ lại càng chồng chất, bây giờ cộng tất cả thì làng này cũng nợ trên 30 tỷ rồi”.

Ông Nguyễn Văn Nam – Phó Bí thư chi bộ thôn kể với chúng tôi về 4 lần “đại tang” tôm của làng: “Năm 2001 lần đầu tiên người dân Huỳnh Giảng áp dụng nuôi tôm theo kiểu công nghiệp. Mua con giống từ các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, quy hoạch lại hồ, thay đổi thức ăn, tái tạo lại nguồn nước dẫn vào... nên chi phí lớn hơn trước gấp mấy lần.

Ai ngờ, ngay vụ đầu tiên tôm chết, giá hạ thấp chưa từng thấy, cả làng kéo nhau ra đầm Thị Nại, nhìn tôm nổi lềnh bềnh trên nước mênh mông mà rơi nước mắt.

Năm đó, gia đình tui chỉ nuôi 1 ha thôi, nhưng cũng nợ ngân hàng đến 120 triệu. Nhiều nhất trong làng là những ông Ngô Văn Thái, Trịnh Minh Bảy... bây giờ tính cả các thứ nợ có lẽ cũng lên đến nửa tỷ đồng”.

Căn nhà 2 tầng ông Ngô Văn Thái ở cái “xóm nợ nần” nhiều tiếng thở than này bây giờ chẳng còn đồ vật gì đáng giá. Ông Thái cười như mếu: “4 năm thua liên tiếp, giờ nuôi tiếp cũng chết mà bỏ cuộc cũng chết. Đằng nào cũng chết, thôi thì coi như đánh bạc. Nợ cứ để đó, đời tui không trả được thì con tui, cháu tui trả...”. 

Lối thoát: Tự tìm lấy mà đi !?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân chính cho những lần “đại tang” tôm ở làng Huỳnh Giảng là việc nguồn nước cho đầm Thị Nại càng ngày càng khan hiếm, nhất là những tháng hạn hán, mà các vụ tôm hằng năm ở đây chủ yếu từ tháng 3 đến cuối tháng 6.

Ngoài ra, ông Võ Hữu Quế cũng cho rằng sắp tới, việc hàng loạt nhà máy mọc lên ở KKT Nhơn Hội cũng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước mà trong đó, con tôm sẽ gánh chịu hậu quả thê thảm nhất.

Vấn đề nợ nần ở làng Huỳnh Giảng đã vượt ra khỏi lũy tre làng, “thấu” tận UBND tỉnh, đơn kêu cứu của người dân đã ra tận Chính phủ. Thế nhưng, trước tiếng kêu cứu của dân vẫn là một sự bất lực đến khó hiểu.

Một cán bộ ở Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết: Chúng tôi khoanh nợ là đã ưu đãi lắm rồi, còn tiền lãi vẫn phải tính, đó là nguyên tắc. Có ai nợ không trả bao giờ đâu.

Nghe nói lãnh đạo tỉnh cũng đã họp bàn rất nhiều lần, nhưng chúng tôi cũng chẳng thấy động thái gì, chắc là xã và người dân nên tìm lấy hướng đi thì hơn. Đừng trông chờ gì nữa...

Bao giờ người dân làng Huỳnh Giảng thoát khỏi “kiếp nợ nần”? Cách đây 2 năm một tờ báo địa phương cũng đã hỏi như thế, nhưng cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

MỚI - NÓNG