Làng chuyên hàng nhái

Làng chuyên hàng nhái
TP - Bên cạnh những làng nghề truyền thống nổi tiếng của vùng quê Bắc Bộ, đã xuất hiện nhiều làng nghề chuyên làm hàng nhái. PV Tiền Phong thâm nhập các ngôi làng này.

La Phù, Hoài Đức, Hà Nội vốn nổi tiếng sản xuất bánh kẹo. Đi sâu vào La Phù hơn 200 m là hàng chục đại lý bánh kẹo. Các thùng bánh kẹo, xà phòng, cà phê, được xếp tràn ra cả mặt đường.

Tại đại lý bánh kẹo M.N, người bán hàng cho biết: “Về đây là đúng địa chỉ rồi, ở đây cái gì cũng có vừa rẻ lại vừa tiện”. Các mặt hàng ở đây rất phong phú. Chỉ riêng kẹo cao su đã có từ 4 đến 5 loại: Doublemint Techgomint, Cogolamin và Dreamstar…

Một phụ nữ vừa đốc thúc nhân công chuyển hàng lên chiếc xe tải vừa nói: “Tôi lấy hàng ở đây, vừa rẻ lại vừa sẵn. Sắp Tết rồi khan lắm”. Chị còn cho biết, đã lấy hàng ở La Phù được 3 năm, hàng bán chạy khi được đưa lên Tuyên Quang, Điện Biên.

Hàng ở đây phần lớn giá rẻ hơn trên thị trường 20-30%. Để tìm hiểu sự vừa rẻ vừa sẵn ấy chúng tôi tới vài đại lý nữa, mới nhận ra cuộc cạnh tranh của các chủ hàng nơi đây. Có những mặt hàng tại các đại lý khác nhau chênh nhau vài giá là chuyện thường.

Ông P., thổ dân ở đây tiết lộ: Giá bánh kẹo ở đây rẻ là do các công ty có khả năng làm nhái sản phẩm khá nhanh.

Trộn lẫn hàng thật

Cầm trên tay những hàng mẫu như kẹo cao su, kẹo kéo, bánh đậu, thạch rau câu thấy mẫu mã na ná, chỉ khác nhau cái tên.

Chủ cửa hàng biết ý: “Hàng giá cao là hàng nhập, còn hàng giá thấp đến vừa là chúng tôi làm. Rẻ thì rẻ chứ chất lượng chưa chắc đã kém. Chúng tôi chỉ học nhau về mẫu mã thôi”.

Làng chuyên hàng nhái ảnh 1
Đường làng La Phù

Thấy chúng tôi đắn đo, người bán hàng buông: “Thì tiền nào của ấy. Ở đây khách toàn buôn đi các tỉnh, lo gì”. Quan sát thấy phần lớn xe tải từ các tỉnh Hưng Yên, Hải Phòng, tới Bắc Kạn, Điện Biên về ăn hàng.

Quan sát kỹ thì thấy bánh kẹo La Phù được ngụy trang bằng cái tên na ná sản phẩm thật: kẹo Applebe Original với Apllebe OY, kẹo Cheng Gum với Chewing Gum, Technoment thay Doublemint…

Chúng được đặt một cái tên hơi khác đi so với hàng xịn, và ghi địa chỉ sản xuất rõ ràng trên bao bì. Còn phối màu sắc, kiểu chữ và hình ảnh minh họa tương tự như mẫu mã trên sản phẩm thật.

Ông Nguyễn Ngọc Lân – đại diện Cty Thường Phát Quốc tế tại Hà Nội (đơn vị sở hữu nhãn hàng Chewing Gum Doublemint) cho biết, công ty hoàn toàn không có cơ sở sản xuất nào tại La Phù, Hoài Đức. Những sản phẩm làm nhái trên chí ít là có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh.

Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Hữu Nam cho biết: “Những mẫu sản phẩm được sản xuất tại La Phù có dấu hiệu từ cạnh tranh không lành mạnh cho tới vi phạm sở hữu nhãn hiệu. Bất kỳ đơn vị sản xuất nào cũng chịu chế tài của pháp luật và làng nghề cũng không phải ngoại lệ”.

Theo Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội, làng nghề La Phù là nơi diễn ra nạn sản xuất bánh kẹo nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ phát triển mạnh, nhưng việc bắt tận tay, day tận trán là rất khó.

Bài 2: Làng nhái chăn, ga, gối, đệm

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.