Làng chuyên nhái chăn ga, gối đệm

Làng chuyên nhái chăn ga, gối đệm
TP - Thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong, Thường Tín, Hà Nội có nhiều cơ sở sản xuất đã chuyển sang làm nhái sản phẩm có  thương hiệu như Everon, Sông Hồng, Myhome… Nhưng việc xử lý gặp nhiều khó khăn do hiểu biết pháp luật của dân còn thấp, chế tài chưa đủ mạnh.

>> Bài 1: Làng bánh kẹo nhái

Làm nhái bằng máy móc hiện đại giữa làng

Theo ông Dương Tam Tam - Phó Giám đốc Nhà máy Everon Hà Nội, việc các sản phẩm chăn ga gối đệm Everon bị làm giả, nhái đã bắt đầu từ lâu, và diễn biến ngày càng phức tạp. Có những cơ sở sản xuất hàng nhái nhỏ lẻ, nhưng cũng có nơi sản xuất hàng loạt như tại thôn Trát Cầu.

Đến Trát Cầu, có thể thấy hoạt động sản xuất và buôn bán ở đây khá sôi động, không khó khăn để bắt gặp các biển hiệu đề: “Trung tâm sản xuất kinh doanh Chăn - Ga - Gối -Đệm, sử dụng dây chuyền vi tính”. “Chăn ga gối đệm Hàn Quốc”…

Nhiều cơ sở sản xuất tại Trát Cầu được trang bị máy móc khá hiện đại.Từ những chiếc máy này, dân Trát Cầu mỗi năm tung ra thị trường khoảng 20.000 tấm chăn các loại. Từ chăn rẻ tiền 20.000 đồng cái cho tới loại cao cấp nhái y chang các thương hiệu nổi tiếng của Hàn Quốc.

Các nhãn mác logo hàng hóa được làm nhái như Everon nhái thành Everpon, Everons, Everony… Mỗi một mác có giá 500 đồng/cái, nếu mác xịn hơn thì 15.000 đồng/cái.

Làng chuyên nhái chăn ga, gối đệm ảnh 1
Một cơ sở sản xuất tại xã Tiền Phong. Ảnh: CK

Một lái buôn tại đây tiết lộ: “Trước kia khi chúng tôi sản xuất vận chuyển sản phẩm đã được đóng gói nguyên kiện, nên khi bị bắt là bị mất hết. Bây giờ, vỏ, ruột được sản xuất, vận chuyển tách rời nhau nếu có bị lực lượng chức năng bắt thì chỉ mất vỏ mà thôi”.

Ông Nguyễn Hưng Khuê, Trưởng thôn Trát Cầu cho biết, việc sản xuất nhái chăn, ga, gối, đệm ở Trát Cầu rất tinh vi. Chính quyền địa phương đã phối hợp cùng Cục Sở hữu trí tuệ, Phòng Cảnh sát PC15, Sở Công Thương Hà Nội, Cty Sông Hồng, hãng Everon tuyên truyền chống hàng giả nhưng chưa hiệu quả.

Ông Dương Tam Tam - Phó Giám đốc Everon cho biết: “Để có được giá thành rẻ, nhiều cơ sở làm hàng nhái sử dụng bông tái sinh vì vậy chăn gối bông lép, xẹp và mất dáng chứ không thể bền và giữ khuôn như sản phẩm chính hãng”.

GS Nguyễn Hữu Khôi (Trung tâm Cao phân tử, Viện Hóa học) khuyến cáo: Gối làm từ bông tái sinh rất nguy hiểm cho người sử dụng. Các loại bông đó có nhiều vi khuẩn, kém chất lượng và nguy hiểm như nhựa tái sinh. Mặt khác, một số loại chăn, gối có in hoa hay các dòng kẻ trang trí bằng phẩm màu rẻ tiền. Tiếp xúc với phẩm này nhiều lần có thể gây ung thư.

Vi phạm nhiều - xử lý khó

Ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam cho biết: “Hầu hết hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam được sản xuất tại các làng nghề truyền thống. Điều đó bắt nguồn từ nhiều lý do: Làng nghề là mô hình sản xuất truyền thống bao gồm những đơn vị sản xuất quy mô nhỏ, nên việc đầu  tư để tạo dựng thương hiệu lớn sẽ rất khó khăn. Để tồn tại nhiều làng nghề đã lựa chọn làm giả các thương hiệu lớn.

Thứ hai, những lao động tại làng nghề tuy có tay nghề nhưng trình độ văn hóa còn thấp nên phần lớn không biết việc làm hàng giả, hàng nhái của mình là vi phạm pháp luật. Họ cũng còn chưa biết việc bắt buộc phải đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm”.

Ngoài ra, do hình phạt dành cho các hành vi làm hàng nhái còn nhẹ nên không đủ sức răn đe.  Ông Nguyễn Thanh Hồng - Trưởng phòng Xử lý vi phạm (Cục Sở hữu  Trí tuệ) cho biết: “Việc xử lý tình trạng làm hàng giả hàng nhái tại làng nghề còn nhiều khó khăn”. Bởi việc phân biệt hàng giả - hàng thật còn khó khăn đối với người tiêu dùng và cả lực lượng chức năng do sản phẩm giả nhái ngày càng tinh vi; kinh phí chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn hạn chế.

MỚI - NÓNG