Làng “tôm hùm”

Làng “tôm hùm”
TP - Ba thôn Phú Mỹ, Dân Phú 2, Dân  Phú 1 thuộc xã Xuân Phương là nơi có nhiều triệu phú trẻ nhất của huyện Sông Cầu – Phú Yên. Con tôm hùm đã mang lại nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng/năm cho nhiều người…

Nói đến “đại gia” lặn bắt, nuôi trồng và mua bán tôm hùm ở thôn Dân Phú 2, người dân Xuân Phương thường nhắc tên Võ Văn Nguyên, 33 tuổi.

Anh là người đầu tiên trong số những thanh niên trong xã làm giàu từ con tôm hùm. Trước đây, Nguyên phải đi nhiều nơi, xoay xở đủ nghề từ thợ may, chụp hình dạo, rồi đến lặn bắt tôm hùm giống thuê nhưng vẫn không đủ sống.

Trong những lần đến Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi để tìm tôm hùm giống, anh suy  nghĩ: “Tại sao mình không nuôi tôm hùm thịt, từ nguồn giống đánh bắt được! Chứ cứ đi làm thuê thì biết đến bao giờ mới đổi đời(?)”.

Đầu năm 2002, tích cóp được 25 triệu đồng, vay mượn thêm bạn bè, họ hàng 25 triệu đồng nữa, anh quyết định đầu tư nuôi 5 lồng tôm hùm thịt, với số lượng 300 con tôm hùm giống bằng que tăm.

Khi khởi nghiệp, anh đi khắp huyện Sông Cầu để học hỏi các bậc đàn anh, các cụ cao niên có nhiều kinh nghiệm về nuôi trồng thuỷ sản, để tích luỹ kiến thức cho mình. Nhờ kiên trì chịu khó, 18 tháng sau, việc nuôi tôm đã mang lại cho anh nguồn thu nhập đầu tiên: 5 triệu đồng/lồng, sau khi đã trừ hết chi phí.

Từ thành công này, anh chuyên tâm phát triển và đầu tư mạnh hơn để nuôi tôm hùm thịt. Vừa đánh bắt, vừa nuôi, đến nay, anh đã có tài sản riêng là 25 lồng tôm thịt, trị giá sơ bộ khoảng 250 triệu đồng. Giờ đây, có vốn khá lớn trong tay, thành công nối tiếp thành công nên Nguyên “châm”  vốn để anh em thanh niên trong thôn nuôi “rẻ”, rồi  đứng ra làm đại lý thu mua  để mọi người yên tâm về đầu ra.

Hàng trăm thanh niên trong xã đã tìm đến anh học hỏi cách làm ăn và nhiều người đã thành công... Đầu năm 2006, cùng với 125 thanh niên tiêu biểu ngành thuỷ sản toàn quốc, Võ Văn Nguyên được Bộ Thủy sản  tuyên dương. Hiện anh đang là Phó Chủ tịch Hội LHTN xã Xuân Phương.

Anh Phan Thanh Hoàng, Bí thư chi đoàn Dân Phú 2,  kể: “Thấy cách làm và mô hình của anh Nguyên hiệu quả, mang lại thu nhập cao, đầu năm 2005, tôi đến học hỏi và chuyển nghề... Cầm 5 triệu đồng từ nguồn vay thông qua kênh của Đoàn, Hoàng thả nuôi 3 lồng tôm hùm thịt.

Nhờ chịu khó, lại cầu thị nên vụ đầu tiên, không chỉ trả hết số tiền vay ban đầu, mà anh còn tích lũy được 15 triệu đồng. Có vốn rồi, Hoàng mạnh dạn mở rộng diện tích và số lượng nuôi, đến nay, cơ ngơi trong tay anh có gần 50 triệu đồng, thu nhập bình quân từ 15-20 triệu đồng...

Cả làng làm giàu

Cũng như anh Hoàng, các anh Đỗ Xuân Thạnh, Ngô Văn Nồm, Lê Duẩn cũng lập nghiệp và làm giàu cho bản thân từ con tôm hùm. Ban đầu, do ít vốn, các anh chỉ nuôi một lồng.

Thời gian qua đi, từ lợi nhuận, từ sự hỗ trợ của gia đình, số lồng tôm thịt ngày một tăng lên. Ngoài nuôi tôm thịt, các anh còn tranh thủ đi lặn bắt tôm hùm giống để tăng diện tích lồng nuôi. So với những người trẻ tuổi trong làng, hiện các anh có nhiều bè nuôi tôm nhất với giá trị hàng chục triệu đồng/bè.

Từ “đốm lửa” anh Nguyên, đến nay, đã có hơn 150 thành niên trong xã Xuân Phương nuôi tôm hùm, thu nhập hằng năm từ 10 -100 triệu đồng. Trong đó, 65 thanh niên sở hữu trong tay từ 50-300 triệu đồng/người.  Nhờ vậy, đời sống của người dân ngày càng phát triển, bộ mặt địa phương ngày càng khởi sắc hơn.

MỚI - NÓNG