Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật các công cụ chuyển nhựợng

Lành mạnh hóa các quan hệ tài chính - tiền tệ

Lành mạnh hóa các quan hệ tài chính - tiền tệ
Việc phát hành, sử dụng hối phiếu theo Luật các công cụ chuyển nhượng phải góp phần lành mạnh hoá các quan hệ tài chính - tiền tệ trong đời sống xã hội.

Ngày 14/4, sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thuý trình về dự án Luật các công cụ chuyển nhượng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật này và nhấn mạnh: Việc phát hành, sử dụng hối phiếu theo các quy định của Luật các công cụ chuyển nhượng phải góp phần lành mạnh hoá các quan hệ tài chính - tiền tệ trong đời sống xã hội; thúc đẩy hoạt động thương mại, tín dụng thương mại, tín dụng ngân hàng giữa các tiểu thương, doanh nghiệp với nhau, giữa các doanh nghiệp với ngân hàng.

Đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật các công cụ chuyển nhượng là điều chỉnh 3 loại công cụ: Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và séc, đồng thời chưa nên đưa chứng chỉ tiền gửi vào phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Việc đưa các hối phiếu với tư cách là phương tiện thanh toán, công cụ tín dụng phổ biến trong nền kinh tế thị trường, đòi hỏi Nhà nước phải xây dựng cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ cho các hoạt động liên quan đến hối phiếu ở nước ta.

Do vậy cần phải ban hành Luật các công cụ chuyển nhượng để bảo đảm hình thành khung pháp lý cần thiết về hối phiếu cho việc phát hành, sử dụng các loại hối phiếu trên thực tế.

Có ý kiến còn cho rằng, việc ban hành Luật này không chỉ đáp ứng yêu cầu khách quan của nền kinh tế mà còn thể chế hoá đuờng lối của Đảng "hình thành môi trường minh bạch, lành mạnh và bình đẳng cho hoạt động tiền tệ-ngân hàng".

Nhiều ý kiến nhất trí với nội dung dự án Luật và đề nghị cần quy định rõ ràng, đầy đủ và cụ thể về quyền, nghĩa vụ của các bên trong việc phát hành, sử dụng, chuyển nhượng, cầm cố, bảo lãnh, thanh toán, truy đòi, khởi kiện hối phiếu.

Luật các công cụ chuyển nhượng phải thực sự là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia quan hệ hối phiếu, thúc đẩy việc sử dụng, lưu thông các hối phiếu.

Nhất là việc quy định về thẩm quyền, thủ tục giải quyết tranh chấp và biện pháp cưỡng chế thi hành các phán quyết, quyết định của trọng tài, toà án cần đuợc sửa đổi hoàn thiện để tạo ra cơ chế có hiệu quả bảo vệ quyền lợi của người thụ hưởng khi bị vi phạm.

Thảo luận về tên gọi của Luật, có 2 luồng ý kiến khác nhau: Thứ nhất đồng ý với dự án Luật, vì phạm vi điều chỉnh chỉ gồm 3 loại công cụ mà tính chất của các công cụ này đều chuyển nhượng đuợc. Thứ 2 đề nghị gọi là Luật hối phiếu cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật là chỉ điều chỉnh 3 loại hối phiếu gồm: Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và séc (séc thực chất là hối phiếu đặc biệt có sự tham gia của ngân hàng với tư cách là người bị ký phát).

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét 2 phương án về tên gọi này của Luật. Dự án Luật các công cụ chuyển nhượng sẽ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 cuối năm nay.

MỚI - NÓNG