Lao động chê thị trường Malaysia

Lao động Việt Nam do Cty Châu Hưng đưa đi làm việc tại Nhà máy Southern Cable – Malaysia Ảnh: Phong Cầm
Lao động Việt Nam do Cty Châu Hưng đưa đi làm việc tại Nhà máy Southern Cable – Malaysia Ảnh: Phong Cầm
TP - Malaysia được coi là thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) chính của Việt Nam. Nhưng phần lớn lao động Việt Nam lại chê, không muốn sang Mã-lai làm việc, kể cả lao động ở các huyện nghèo...

> 4 tháng, đưa gần 30.000 lao động ra nước ngoài

Lao động Việt Nam do Cty Châu Hưng đưa đi làm việc tại Nhà máy Southern Cable – Malaysia Ảnh: Phong Cầm
Lao động Việt Nam do Cty Châu Hưng đưa đi làm việc tại Nhà máy
Southern Cable – Malaysia. Ảnh: Phong Cầm.

Do làm ăn chụp giật?

Sau sự cố Libya khiến hơn 10.000 lao động Việt Nam phải về nước, Bộ LĐ-TB&XH đã chuyển hướng phát triển và mở rộng khai thác đưa lao động sang thị trường Malaysia với ý định coi đây là thị trường trọng điểm của đề án hỗ trợ các huyện nghèo đi XKLĐ.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khẳng định, chủ trương chọn Malaysia làm thị trường chính để triển khai đề án hỗ trợ các huyện nghèo cũng sẽ gặp khó, vì chỉ dừng lại ở mục tiêu giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo thì ngay đối tượng tham gia (lao động nhàn rỗi, diện nghèo, trình độ thấp ở nông thôn) cũng chê thị trường Malaysia.

Giám đốc một doanh nghiệp chuyên về thị trường Malaysia cho biết, hai năm qua, đơn vị ông có hàng tá hợp đồng nhưng không thể tuyển được đủ nguồn lao động để cung cấp cho đối tác ở Malaysia. “Về địa phương tuyển lao động, mới nói tuyển đi Malaysia, người ta đã lắc đầu rồi” - Vị giám đốc nói.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn coi Malaysia là thị trường chính nhưng đành bỏ lửng để chuyển hướng sang thị trường khác. Về vấn đề này, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) thừa nhận, trong số 138 doanh nghiệp tham gia thị trường Malaysia đã có một nửa trong số đó đã chuyển hướng sang các thị trường khác.

Nguyên nhân được cho là quá khó khăn trong công tác tuyển lao động. Còn một số doanh nghiệp vẫn duy trì đưa lao động sang Malaysia nhưng với số lượng nhỏ giọt, làm để giữ thị trường theo chủ trương.

Thực tế Malaysia đang trải thảm đỏ với lao động Việt Nam nhưng số lượng người đăng ký đi Malaysia vẫn rất ít. Ba năm trở lại đây, số lao động đăng ký đi làm việc tại Malaysia giảm đến mức thê thảm. Nếu như vào năm 2006, trung bình một doanh nghiệp đưa được vài trăm tới vài ngàn lao động, thì từ đầu năm tới nay chỉ còn vài doanh nghiệp tên tuổi đưa đi được trên dưới 1.000 người.

Lý giải về việc người lao động, kể cả lao động huyện nghèo nhất cũng chê xuất ngoại, một chuyên gia cho biết, do chính các doanh nghiệp XKLĐ.

“Họ vì lợi nhuận và xem thường khâu tuyển dụng cũng như chất lượng đơn hàng ký kết (lương thấp) nên nhiều lao động sang Malaysia làm việc bị ngược đãi, nợ lương, trả lương không đúng cam kết... liên tiếp xảy ra. Trong khi đó, sự can thiệp, bảo vệ từ phía các doanh nghiệp lại không kịp thời khiến quyền lợi của lao động bị xâm phạm nghiêm trọng. Nhiều lao động phải về nước trước thời hạn...”, ông nói.

Lương cao mới hút được lao động

Ông Nguyễn Tiến San - Tham tán, Trưởng Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia cho biết, thực ra thu nhập của lao động Việt Nam tại Malaysia hiện không phải là thấp. Lương cơ bản khoảng 21 RM/ngày.

Qua khảo sát, thu nhập bình quân của lao động đạt 900-1.100 RM/người/tháng (khoảng 6-8 triệu đồng). Với lao động có thâm niên (năm thứ tư trở lên) thu nhập 1.200-1.500 RM/tháng, thậm chí có lao động đạt 2.000-3.000 RM/tháng (từ 15 đến 20 triệu đồng). Mức thu nhập như vậy là cao ngang ngửa với lao động làm nghề may tại Đài Loan và một số nghề ở Nhật Bản.

Trước tình trạng lao động đăng ký đi Malaysia giảm sút, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Nguồn nhân lực Malaysia đã tổ chức một hội thảo tại Hà Nội để đẩy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở Malaysia.

Ông Dato’Sh Yahya Bin SH. Mohamed - Cục trưởng Lao động (Bộ Nguồn nhân lực Malaysia) cho biết, nước này đang có nhu cầu tiếp nhận hơn 100.000 lao động nước ngoài/năm. “Chúng tôi đang rất cần lao động phù hợp với công việc và có kỷ luật tốt” - ông Dato’Sh Yahya Bin SH. Mohamed nói.

Tại hội thảo mới đây, bàn cách khôi phục XKLĐ sang Malaysia, nhiều giám đốc doanh nghiệp kiến nghị, Bộ LĐ-TB&XH nên chuyển hướng XKLĐ có nghề để giúp người lao động cải thiện cuộc sống và có thể vận dụng tay nghề, chuyên môn cho công việc sau này khi về nước.

Hiện một số doanh nghiệp bắt đầu chuyển hướng, như Cty Châu Hưng mới đây đã ký hợp đồng cung ứng 30 kỹ sư công nghệ thông tin sang làm việc cho Nhà máy Idimension MSC SDN BHD tại Malaysia với thu nhập từ 15 triệu đến 25 triệu đồng/người/tháng. Công ty Sovilaco cũng đang triển khai đơn hàng đưa 50 công nhân kỹ thuật, thợ tiện sang Malaysia, thu nhập từ 11 triệu đến 20,5 triệu đồng/người/tháng...

“Nếu các doanh nghiệp tiếp tục chọn những đơn hàng cho thu nhập cao, lao động có trình độ tay nghề thì chắc chắn thị trường Malaysia sẽ thu hút sự chú ý của người lao động. Bản thân người lao động thấy được lợi ích rõ ràng khi đi làm việc ở Malaysia thì không cần tuyên truyền nhiều họ cũng sẽ tham gia” - Một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nói.

Ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu XKLĐ năm 2011

Thời kỳ hoàng kim, năm 2000, khi mới khai thác thị trường Malaysia, chỉ trong vòng 8 tháng sau khi chính thức mở cửa thị trường này (tháng 4-2002), đã có tới 21.240 lao động xuất cảnh sang Malaysia làm việc.

Riêng năm 2003, lao động Việt Nam đăng ký sang Malaysia tới 38.227 người. Tuy nhiên, đến năm 2008, số lượng lao động sang Malaysia tiếp tục giảm xuống còn 7.810 người và tiếp tục tuột dốc xuống 2.792 người vào năm 2009.

Lãnh đạo Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết, do số lượng đăng ký đi XKLĐ sang Malaysia sụt giảm, sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu đưa 87.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trong năm 2011.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG