Lao động mất việc được vay vốn không phải trả lãi

Lao động mất việc được vay vốn không phải trả lãi
TPO – Người lao động bị mất việc làm trong năm 2009, kể cả người lao động đi làm ở nước ngoài bị mất việc phải về nước trước thời hạn, sẽ được vay vốn không lãi suất trong vòng 12 tháng để tự tạo việc làm, được học nghề.
Lao động mất việc được vay vốn không phải trả lãi ảnh 1
Người lao động bị mất việc sẽ được vay vốn để tìm việc làm. Ảnh minh họa

Theo Thông tư hướng dẫn số 06 của liên Bộ LĐ, TB&XH và Tài chính vừa ban hành, trong năm 2009, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế chưa có khả năng thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho người lao động bị mất việc làm sẽ được vay vốn với lãi suất 0% trong thời hạn tối đa là 12 tháng để giải quyết những vấn đề trên.

Để được vay nguồn vốn này, doanh nghiệp phải có số lao động phải giảm từ 30% trở lên hoặc từ 100 lao động trở lên cũng được vay vốn ưu đãi với điều kiện các lao động phải cắt giảm trong năm 2009 phải là lao động thuộc danh sách trả lương của doanh nghiệp (không kể lao động thời vụ có thời hạn dưới 3 tháng).

”Doanh nghiệp đã sử dụng các nguồn của doanh nghiệp nhưng vẫn chưa đủ để thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc sẽ được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam" - Thông tư nêu rõ.

Mức vay vốn được xác định căn cứ trên nhu cầu chi trả nợ tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho người lao động trừ đi các nguồn của doanh nghiệp đã được xác định.

Làm gì để được vay vốn?

Theo hướng dẫn của Thông tư, để được vay vốn, doanh nghiệp phải xây dựng Phương án sắp xếp lao động, bao gồm số lao động hiện có, số lao động có nhu cầu sử dụng, số lao động giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, hết hạn hợp đồng lao động, số lao động không bố trí được việc làm và nộp cho Sở LĐ, TB&XH địa phương.

Trong thời hạn 5 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị xác nhận phương án, Sở LĐ- TB&XH phải có văn bản xác nhận gửi cho doanh nghiệp và Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tại địa phương để giải quyết.

Điểm đáng chú ý của Thông tư là người lao động bị mất việc làm trong năm 2009 (bao gồm cả người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị mất việc làm phải về nước trước thời hạn) được vay vốn trong vòng 12 tháng từ Quỹ Quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm, được học nghề.

Để được vay vốn, người cần vay cần có hồ sơ kèm theo bản sao hợp đồng lao động, bản sao thanh lý hợp đồng lao động; riêng đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị mất việc làm phải về nước trước thời hạn phải kèm theo bản sao Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc bản sao hợp đồng cá nhân và xác nhận của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi người lao động đăng ký hợp đồng cá nhân.

Thông tư cũng nêu rõ Sở LĐ, TB&XH phải tổ chức nắm số lao động thôi việc, mất việc làm trong các doanh nghiệp gặp khó khăn, kiểm tra, giám sát việc thanh toán tiền lương, trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho từng người lao động và đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo phương án đã được thẩm định.

"Sở phải chỉ đạo các trung tâm giới thiệu việc làm, các cơ sở dạy nghề thực hiện tốt việc dạy nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động bị mất việc làm và hàng quý báo cáo tình hình thực hiện việc hỗ trợ đối với người lao động bị mất việc" - Thông tư cho biết.

Đối với người lao động bị mất việc làm tại doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp bỏ trốn và không có người đại diện hợp pháp đứng ra giải quyết quyền lợi của người lao động thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở KH&ĐT phối hợp với các cơ quan liên quan xác định, lập hồ sơ về lao động, tiền lương và tài chính của doanh nghiệp.

Căn cứ hồ sơ về doanh nghiệp, căn cứ vào sổ sách kế toán và các tài liệu có liên quan, Sở LĐ, TB&XH phối hợp với Sở Tài chính có trách nhiệm xác định người lao động có trong danh sách trả lương của doanh nghiệp, trong đó xác định cụ thể tiền lương còn nợ của từng người lao động và báo cáo số tiền cần ứng từ ngân sách địa phương để trả nợ lương của người lao động.

Sở KH&ĐT sẽ phối hợp với Sở Tài chính thực hiện việc xử lý tài sản của doanh nghiệp để hoàn trả khoản tạm ứng từ ngân sách địa phương.

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.