Lao động tại DN nhỏ và vừa: Chẳng khác phu hồ

Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở quận Bình Thạnh sử dụng cả lao động trẻ em. Ảnh: LT.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở quận Bình Thạnh sử dụng cả lao động trẻ em. Ảnh: LT.
TP - Người lao động tại hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DN NVV) không được đào tạo nghề, lương thấp, không có hợp đồng lao động, không đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp theo quy định.

Bốn không

6 giờ 30 sáng 18/9, tại công trình xây dựng nhà ở tư nhân trên đường Kha Vạn Cân (phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM), 6 công nhân thuộc Công ty TNHH xây dựng TT (trụ sở tại quận 2) đã có mặt, bắt đầu ngày làm việc. Hải (28 tuổi, ngụ quận 9) nói, thời gian làm việc từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều. Buổi trưa chỉ được nghỉ hơn một tiếng. Những ngày cao điểm, dịp cuối năm, công nhân làm việc đến 9 giờ đêm để kịp bàn giao nhà.

“Gọi công nhân cho oai chứ có khác gì thợ hồ bên ngoài đâu anh. Tụi em không được ký hợp đồng lao động, làm quần quật, cuối tuần nhận lương một lần, không biết cuốn sổ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trông như thế nào. Bảo hiểm y tế thì mình tự mua chứ công ty không lo. Lương khoảng 200.000 - 250.000 đồng/người/ngày (tùy thợ chính hay phụ), thấp hơn mấy ông thầu bên ngoài nhưng bù lại, công việc đều hơn”, Hải nói.

Thắng (24 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) kể: Em tốt nghiệp trường Cao đẳng Điện lực TPHCM. Theo giới thiệu của người quen, em vào làm nhân viên giao nhận cho một công ty TNHH, văn phòng cũng là nhà riêng của ông giám đốc đặt trên đường Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú). Công ty chỉ có bốn người gồm vợ chồng giám đốc, chị kế toán là bà con bên vợ của giám đốc và em. Công việc của em là lái xe, lương 6 triệu đồng/tháng, được bao cơm trưa.

Ông chủ bảo công ty gia đình, khỏi ký hợp đồng lao động. Em đang cần việc nên đồng ý. Tuy là nhân viên công ty nhưng em có cảm giác mình không khác chị osin trong nhà ông chủ vì bị sai làm những chuyện lặt vặt. Thằng con chê cơm, ổng sai em đi mua phở.

“Khổ nỗi, vợ chồng ông chủ cãi lộn hoài. Một hôm, bả đùng đùng nổi giận, sai em lái xe đưa đến nhà chị gái chơi. Từ chối khéo thì bả nói em theo phe ông chủ, dọa đuổi việc. Đành chiều ý bả. Đến khi quay lại công ty thì bị ông chủ đuổi ra đường vì tội thân mật trên mức bình thường với bà chủ vì không ký hợp đồng nên em không được nhận tiền nghỉ việc”, Thắng kể. 

Vi phạm quyền lợi người lao động

Tại hội thảo “Việt Nam trong bối cảnh kinh tế mới: Vấn đề về lao động và doanh nghiệp nhỏ và vừa”, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tại TPHCM ngày 18/9, nhiều chuyên gia cảnh báo về tình trạng người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị xâm hại đến quyền lợi. Theo ông Lê Văn Kiệm, đại diện Liên đoàn Lao động TPHCM, trong số 9,5 triệu lao động đang làm việc tại khu vực này, chỉ 25% được đào tạo nghề. Ngay cả đội ngũ chủ DN NVV hạn chế về trình độ, ít quan tâm đến việc trang bị kiến thức quản trị, nhận thức về pháp luật còn hạn chế.

“Chế độ sử dụng, đãi ngộ người lao động thiếu minh bạch, đặc biệt là trong các DN NVV. Nhiều DN thậm chí vi phạm các chế độ hợp đồng lao động, tiền lương, tiền thưởng, an toàn lao động, bảo hiểm xã hội, chế độ thôi việc… của người lao động”, ông Kiệm nói.

Theo khảo sát của ông Phạm Minh Thái, đại diện Trung tâm Phân tích và Dự báo, tỷ lệ các DN tham gia đóng các loại bảo hiểm cho người lao động chỉ chiếm khoảng 65-70%.

MỚI - NÓNG