Lao động về từ Libya chờ hỗ trợ

Lao động về từ Libya chờ hỗ trợ
TP - Đã 2 tháng qua, kể từ khi lao động Việt Nam đầu tiên (trong số hơn 10 nghìn lao động) phải về nước từ Libya, Bộ LĐ-TB&XH vẫn chưa chốt được phương án hỗ trợ người lao động để trình Chính phủ, khiến quyền lợi của hàng nghìn lao động bị ảnh hưởng vì chưa được thanh lý hợp đồng (TLHĐ).

Lao động ở Libya về nước không lo thất nghiệp
> TT-Huế: Gặp mặt, hỗ trợ tiền cho lao động trở về từ Libya
> Xử lý theo thủ tục nợ rủi ro cho lao động đi Libya vay nợ tại Ngân hàng

Lao động dài cổ chờ hỗ trợ

Trong số hơn 10.000 lao động từ Libya về nước, trừ những người làm việc hơn 2 năm trở lên đã được TLHĐ, vẫn còn hàng nghìn lao động (làm việc tại Libya chưa đến 1 năm) đang phải dài cổ chờ hỗ trợ.

Anh Đoàn Văn Luận (Ứng Hoà, Hà Nội) - một lao động do Cty Cổ phần Việt Thắng (VTC Corp) đưa đi cho biết, mới sang Libya chưa được 2 tháng thì đã phải về nước. Ngoài 1 triệu đồng tiền Cty hỗ trợ về quê, hiện anh Luận chưa nhận thêm khoản hỗ trợ nào.

“Em muốn sang Lào làm việc nhưng không biết khi nào được nhận tiền hỗ trợ nên chưa dám đi, vì sợ khi được hỗ trợ lại không có mặt ở Việt Nam” - anh Luận nói.

Anh Đỗ Quang Tin, thôn An Điền, xã Cộng Hoà (Nam Sách, Hải Dương), do Cty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thương mại Hợp tác nhân lực quốc tế đưa đi (Vinaconemmec, Sjc) cũng cho biết, khoản vay ngân hàng trước khi đi Libya đang lãi mẹ đẻ lãi con.

“Dù đã về nước được 2 tháng nhưng không dám đi kiếm việc làm vì phải ở nhà để đợi Cty gọi lên Hà Nội TLHĐ” - Anh Tin nói.

Anh Ngô Thế Liên (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) và nhiều lao động ở Vĩnh Phúc khi được hỏi đều cho biết, dù đã đăng ký đi làm việc tại thủy điện ở Sơn La và Lai Châu nhưng vẫn chưa đi vì phải đợi TLHĐ và nhận tiền hỗ trợ để về trả lãi ngân hàng. “Trước khi đi tôi vay ngân hàng gần 40 triệu đồng. Vì mới sang Libya nên chưa có thu nhập. Mong nhà nước sớm có biện pháp hỗ trợ để chúng tôi yên tâm tìm việc mới” - anh Liên nói.

Doanh nghiệp bối rối

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đoàn Đại Thành - Chủ tịch Cty Sona (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) - đơn vị có số lao động làm việc đông thứ hai tại Libya cho biết, đến thời điểm này, Sona chỉ mới TLHĐ cho hơn 400 lao động đủ điều kiện. Đây là những lao động đã làm việc được hơn 2 năm tại Libya.

Hiện, còn khoảng 800 lao động (làm việc chưa được 1 năm tại Libya) vẫn chưa được TLHĐ vì Cty đang phải đợi hướng dẫn phương án hỗ trợ từ phía Bộ LĐ-TB&XH.

“Chúng tôi không dám TLHĐ vì sợ sau này lệch pha với phương án hỗ trợ được phê duyệt. Khi phương án hỗ trợ được công bố, Cty sẽ TLHĐ cho lao động ngay” - ông Thành nói.

Tại Cty Cổ phần Việt Thắng (VTC Corp) - đơn vị có số lượng lao động đông thứ ba tại Libya (1.644 lao động) cũng trong tình trạng chờ hướng dẫn của cơ quan quản lý. Theo ông Nguyễn Vạn Xuân - Chủ tịch HĐQT VTC Corp, hiện Cty chỉ mới TLHĐ cho gần 100 lao động đủ điều kiện; còn hơn 1.000 lao động làm việc chưa đến 1 năm nên phải đợi.

“Nhiều lao động có nhu cầu muốn đi thị trường khác làm việc nhưng Cty chưa thể giải quyết vì phải chờ phương án hỗ trợ. Khi có phương án hỗ trợ và được TLHĐ, lúc đó chúng tôi mới dám trả lời lao động” - ông Xuân nói.

Tình trạng người lao động chưa được TLHĐ cũng xảy ra tại Cty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thương mại Hợp tác nhân lực quốc tế (Vinaconemmec, Sjc). Đây là đơn vị có số lượng lao động làm việc tại Libya đông nhất với hơn 2.920 lao động.

Tuyển lao động về từ Libya: Thủ tục rườm rà

Đại diện một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động từ Libya về nước cho biết, thủ tục để tuyển số lao động này vào làm việc hiện quá phức tạp. Theo quy định, doanh nghiệp không những phải về tận các địa phương làm việc với Sở LĐ-TB&XH mà còn phải làm việc với các Cty xuất khẩu lao động với hàng loạt thủ tục. Trong khi đó, lao động về từ Libya lại ở rải rác tại 49 tỉnh, thành phố nên để tuyển được họ vào làm việc không hề đơn giản.

Ông Phạm Mạnh Bình - Trưởng phòng Hành chính (Cty Toàn Phát) cho biết, Cty cần khoảng 800 lao động (gồm lao động có tay nghề và lao động phổ thông) nhưng đến nay, sau khi làm việc chính thức với Cục quản lý lao động ngoài nước, Cty chỉ mới tuyển được 10 người. Trong khi đó, một số lao động khi được hỏi lại không mặn mà với việc làm trong nước.

Anh Nguyễn Sáng, xã Ngọc Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) do Cty Sona đưa đi cho biết, dù biết nhiều Cty trong nước tuyển dụng lao động nhưng không đăng ký, vì mức lương các doanh nghiệp đưa ra không đủ chi phí cho sinh hoạt cá nhân.

“Làm việc trong nước dễ phát sinh nhiều thứ, còn làm ở nước ngoài dù xa nhà nhưng lại được nhận lương một cục. Ăn, ngủ, đi lại được phía chủ lo nên không phải chi phí. Hằng tháng còn gửi lương đều đặn về cho gia đình. Vì thế, nếu có đi làm trở lại, tôi cũng sẽ chọn một nước nào đó” - anh Sáng nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, phương án hỗ trợ lao động trở về từ Libya đã được Cục hoàn thành và đang chờ lãnh đạo Bộ phê duyệt trước khi trình Chính phủ.

Theo ông Quỳnh, khó khăn chính không phải là nguồn kinh phí hỗ trợ (vì có thể được trích từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước) mà quan trọng là phải làm sao để việc phân bổ hỗ trợ công bằng theo hướng ưu tiên những lao động mới sang Libya chưa có thu nhập và những lao động làm việc chưa đến 1 năm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG