Lao động bỏ trốn, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản

Lao động bỏ trốn, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản
Việc Anh ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam từ 1/7/2005 đưa ra không bất ngờ. Tỷ lệ lao động bỏ trốn quá cao, khoảng 60% đang gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp nước sở tại.
Lao động bỏ trốn, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp đau đầu vì lao động Việt Nam ở nước ngoài bỏ trốn (ảnh minh họa)

Ông Robert Gordon - Đại sứ Anh tại Việt Nam khẳng định: “Tình trạng lao động nước ngoài (đặc biệt lao động Việt Nam) bỏ trốn sau khi hết hạn visa (kết thúc hợp đồng) đang trở thành vấn đề đau đầu của chúng tôi.

Rất tiếc, thời điểm này ngành dịch vụ khách sạn của Anh vẫn rất cần công nhân, nhưng tình trạng này buộc chúng tôi phải tìm nguồn lao động từ các nước thuộc Liên minh Châu Âu…”.

Trước đó, nhiều chủ sử dụng lao động Việt Nam tại Anh cũng đã từng phàn nàn (bằng văn bản) với Cty xuất khẩu lao động Việt Nam rằng: “Lao động Việt Nam đến Anh luôn nghĩ việc bỏ trốn và chúng tôi không có biện pháp hữu hiệu nào ngăn cản họ…”.

Còn các Cty xuất khẩu lao động Việt Nam lại ngao ngán: “Chúng tôi đã làm hết sức nhưng với hành lang pháp lý như hiện nay thì đã hết cách đối phó với “căn bệnh” bỏ trốn của người lao động. Đặt cọc chống trốn đến 5.000  7.000 USD mà người lao động cũng sẵn sàng vứt bỏ để “được bỏ trốn”… thì hết “thuốc” chữa rồi…?”.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, hiện các Cty xuất khẩu lao động Việt Nam đã đưa sang Anh khoảng 500 lao động nhưng hầu hết sau khi hết hợp đồng (1 năm) đều tìm cách ở lại.

Theo thống kê của Chính phủ Anh, trong mấy năm gần đây, tại Anh có khoảng 700 người Việt Nam cư trú bất hợp pháp (trong đó có lao động, lưu học sinh, khách du lịch…). Sắp tới, phía Anh và Việt Nam sẽ phải bàn biện pháp để đưa số lao động bất hợp pháp này hồi hương.

Ông Nguyễn Thanh Hòa - Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước cho biết: “Với những gì pháp luật cho phép xử lý lao động bỏ trốn trong thời điểm hiện nay, chúng tôi (cơ quan quản lý nhà nước) đã làm hết sức nhưng hiệu quả chẳng đáng kể...”.

Không riêng thị trường Anh mà một số thị trường trọng điểm khác của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay cũng đang lâm vào bế tắc trước bài toán “lao động bỏ trốn”.

Đã 6 tháng nay, thị trường Đài Loan vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ mở cửa trở lại (tỷ lệ bỏ trốn 9%). Tình trạng này đã đưa gần 100 doanh nghiệp (đặc biệt chuyên xuất khẩu lao động sang Đài Loan) đứng trên bờ vực phá sản. Không ít doanh nghiệp đã phải giải tán bộ phận làm xuất khẩu Đài Loan nhằm tránh gánh nặng trả lương cho cán bộ...

Bên cạnh đó, thị trường lớn như Malaysia thì người dân lại chưa mặn mà trở lại nên doanh nghiệp đang phải “ngồi chơi xơi nước”… Trong khi các thị trường trọng điểm (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia) đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ nạn lao động bỏ trốn thì một số thị trường mới vừa “khai sinh” cũng bị “chết” yểu cũng bởi tình trạng lao động bỏ trốn.

Tất cả những khó khăn hiện nay của xuất khẩu lao động đa phần xuất phát từ vấn nạn lao động bỏ trốn. Doanh nghiệp cũng như các đối tác nước ngoài (các nước tiếp nhận lao động Việt Nam) đang mỏi mắt mong chờ biện pháp mạnh xử lý lao động bỏ trốn, nhưng đến nay - thời điểm khó khăn nhất mà vẫn chưa có sự điều chỉnh hữu hiệu nào cho vấn đề sống - còn này.

Cần có “bàn tay sắt” với lao động bỏ trốn

Số liệu mới nhất từ Bộ LĐTBXH, hiện có khoảng 400.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài (chủ yếu Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia…) nhưng luôn có tỷ lệ bỏ trốn cao nhất so với các nước cùng xuất khẩu lao động.

Tại Nhật Bản, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn là 40%, Hàn Quốc 30%, Đài Loan 9%... Trong khi đó, lao động các nước xuất khẩu lao động đang làm tại nước ngoài (chỉ tính riêng tại Nhật Bản) luôn có tỷ lệ bỏ trốn rất thấp, như: Trung Quốc 1%, Inđônêxia 5%, Philipines 1%, Thái Lan 1%...

Sở dĩ, các quốc gia kể trên có tỷ lệ lao động bỏ trốn thấp là họ đã có luật riêng cho xuất khẩu lao động (đặc biệt xử lý lao động bỏ trốn) cách đây hàng chục năm. Thời gian tới, nếu không có “bàn tay sắt” đủ mạnh để điều chỉnh vấn đề lao động bỏ trốn thì chính sách xuất khẩu lao động sẽ thực sự đi vào bế tắc…           

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.