Bộ trưởng Bộ TNMT Phạm Khôi Nguyên:

Lấy đất nhiều quá dân sẽ đói

Lấy đất nhiều quá dân sẽ đói
TP - Hiện nay, đang có các phương án đề xuất giữ lại từ 3,2 - 3,5 triệu ha đất trồng lúa, nhưng chính xác giữ lại bao nhiêu đất nông nghiệp, lấy bao nhiêu đất làm công nghiệp cần phải tính toán khoa học và cần một nhạc trưởng về quy hoạch.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Phạm Khôi Nguyên cho biết, tại buổi giao lưu trực tuyến giữa 63 Sở TNMT với người dân và doanh nghiệp ngày 29/8.

Có thể giữ lại hơn 3 triệu ha đất trồng lúa

“Gần đây Trung ương ra nghị quyết về tam nông, trong đó có quy định rất nhiều về diện tích trồng lúa. Quan điểm của tôi đây là bài toán phải tính kỹ. Nước ta là nước nông nghiệp, mà làm nông nghiệp thì không thể giàu được. Muốn phát triển, dứt khoát phải làm công nghiệp, dịch vụ, muốn vậy phải lấy đất nông nghiệp, nhưng lấy như thế nào?” - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, đất canh tác lúa nước hiện nay xấp xỉ 4 triệu ha. Hiện đã có các phương án tính giữ 3,2 triệu ha hoặc 3,5 triệu ha. Phương án cuối cùng hiện đang được Bộ TNMT cùng các bộ khác tính toán.

Nếu giữ nhiều quá thì không phát triển được công nghiệp, nhưng lấy quá nhiều làm công nghiệp thì dân sẽ đói. Theo Bộ trưởng, trước hết cần tập trung xây dựng quy hoạch vĩ mô về quỹ đất từ nay đến năm 2030.

Bộ Y tế phải đưa ra được dự báo từ nay đến năm 2030 dân số đất nước ổn định là bao nhiêu (hiện đã có con số là từ 120 - 130 triệu người). Bên cạnh đó, dự báo năng suất trồng lúa sẽ liên tục phát triển như thế nào (hiện nay nước ta thu hoạch trung bình 58 tạ lúa/ha/vụ).

Mỗi người Việt Nam tiêu thụ 280kg gạo/năm trong khi các nước phát triển chỉ 80 - 120kg gạo/năm); đưa ra các kịch bản về biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp ra sao. Dự kiến, quy hoạch giao thông từ nay đến năm 2030 như thế nào?... Tất cả sẽ được tổng hợp lại để tính toán diện tích trồng lúa nước năm 2030 cần phải giữ lại bao nhiêu? Diện tích này phải giữ nguyên, bất di bất dịch.

Quan điểm của ông Nguyên là phải cân đối để các tỉnh trồng lúa nước hiện nay cũng có đất làm công nghiệp, nhưng phải là công nghiệp sạch. Những ngành công nghiệp như giấy, xi măng, thép không thể đưa vào vì sẽ làm ô nhiễm cả vùng.

“Quy hoạch hiện nay phải có một nhạc trưởng, rồi phải có bộ máy của Chính phủ duyệt lại toàn bộ” - Bộ trưởng khẳng định.

Lấy đất nhiều quá dân sẽ đói ảnh 1
Bộ trưởng Bộ TNMT Phạm Khôi Nguyên chỉ đạo buổi giao lưu. Ảnh: M.H

Đối với Luật Đất đai sửa đổi, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng, tới năm 2011 - 2015 mới có thể xây dựng xong bộ luật hoàn chỉnh và không nên tham sửa nhiều, đã sửa phải tạo được đột phá, có những thay đổi lớn, khoa học và phải được dân chấp nhận.

Theo Bộ trưởng, cần tập trung sửa đổi hai vấn đề chính là giá đất và quy hoạch đất. Trong thời gian qua, giá đất là vấn đề rất được quan tâm, nhưng mới chỉ ở khía cạnh giá trị hữu hình để đền bù cho dân.

Theo ông Nguyên, giá trị vô hình chưa được quan tâm đầy đủ. Đó là việc xây dựng đề án tái định cư như thế nào, sau khi thu hồi đất của dân. Điều phải làm đầu tiên là tạo công ăn việc làm, chỗ ăn ở.

Quan điểm của Bộ trưởng là phải để dân đến khu tái định cư trước khi thu hồi, nếu chưa làm được thì phải cho dân biết mức tiền đền bù ra sao, có thể thuê chỗ nào. Ngoài ra, còn phải xem xét đến vấn đề văn hóa làng xã như giao lưu văn hóa, hoạt động tín ngưỡng, điều kiện học hành, chữa bệnh… Đây là các vấn đề mà Luật Đất đai sửa đổi phải tập trung giải quyết.

Ngoài ra, Luật Đất đai sửa đổi cũng phải tính đến việc giao tiền đền bù cho dân thế nào cho hợp lý. Hiện nay, có tình trạng tiền đền bù đất đủ sống trong 30 năm nhưng dân tiêu 6 tháng đã hết. Theo ông Nguyên, đó là do cách giao tiền chưa hợp lý.

Dân bắt đầu biết “kêu” về môi trường

Bên cạnh vấn đề đất đai luôn nóng hổi, lần giao lưu trực tuyến thứ 7 này cho thấy, người dân bắt đầu quan tâm đến môi trường. Có rất nhiều câu hỏi gửi về phản ánh tình hình ô nhiễm đất, nước ngầm, lưu vực sông, tố cáo các doanh nghiệp gây ô nhiễm…

Một số tỉnh như Lai Châu, Hòa Bình, An Giang, trước đây không có câu hỏi nào, thì nay đã có hàng chục câu hỏi gửi về chỉ trong một buổi sáng. Dân cũng quan tâm về biện pháp xử lý của cơ quan quản lý trong các vụ việc phát triển kinh tế gây ô nhiễm môi trường.

Tuy vậy, bản thân người dân hiện nay cũng góp phần làm ô nhiễm môi trường rất lớn. Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, việc nâng cao ý thức người dân về vấn đề này cần phải được làm mạnh hơn nữa trong các buổi giao lưu trực tuyến tới đây.

Bộ trưởng sẽ yêu cầu tất cả các Thứ trưởng, lãnh đạo thu thập các câu hỏi để xem xét lại cơ chế chính sách của mình thực hiện ở địa phương như thế nào. Không thể nói cơ chế chính sách tốt mà thực hiện ở dưới lại không được.

Tới đây, Bộ TNMT sẽ thay đổi hình thức giao lưu trực tuyến. Các địa phương không cần phải tập trung tại một địa điểm nữa mà lãnh đạo sở có thể vừa làm việc, vừa đi công tác, vừa trả lời câu hỏi của dân.

Ngoài ra, Bộ còn 4 hình thức khác để giải đáp các thắc mắc của dân như qua điện thoại, thư, fax hoặc tiếp xúc trực tiếp tại Bộ.

MỚI - NÓNG