LG chuyển sản xuất từ Thái Lan sang Việt Nam

TV LG trưng bày trong một cửa hàng của hãng tại Seoul. Ảnh: Reuters
TV LG trưng bày trong một cửa hàng của hãng tại Seoul. Ảnh: Reuters
Hãng sản xuất TV lớn nhì thế giới - LG Electronics (Hàn Quốc) sẽ chuyển mảng sản xuất TV từ Thái Lan sang Việt Nam năm nay, nhằm tăng công suất và tiết kiệm chi phí.

Trả lời phỏng vấn Reuters hôm nay, Giám đốc Marketing LG Electronics Thái Lan - Nipon Wongsaengarunsri cho biết họ muốn có một cơ sở trong khu vực với các máy móc mới cho việc sản xuất TV, quy mô tương tự các nhà máy ở Hàn Quốc. Hãng coi Việt Nam là địa điểm tốt nhất.

"Công ty mẹ của chúng tôi coi Việt Nam là quốc gia đáng giá nhất để đầu tư. Lương nhân công là một yếu tố. Nhưng cái chính là đảm bảo chất lượng, cũng như công tác hậu cần", ông nói.

Theo Nipon, LG hiện sản xuất khoảng 600.000 TV mỗi năm tại Thái Lan (trị giá khoảng 243 triệu USD) với phần lớn vật liệu nhập từ Trung Quốc. Trong số này, khảng 100.000 chiếc dành cho xuất khẩu.

Để chuyển các linh kiện nêu trên từ Trung Quốc, hãng này mất khoảng vài tuần, so với thời gian gần một tuần nếu đặt tại Việt Nam. "Chúng tôi sẽ chuyển cơ sở sang Việt Nam vào khoảng cuối tháng 4 đến đầu tháng 5", ông cho biết. LG Indonesia cũng sẽ dần chuyển giao mảng TV trong cùng giai đoạn trên.

Người phát ngôn của LG Electronics tại Seoul cho biết mảng sản xuất TV tại Thái Lan khá nhỏ. Vì vậy, việc chuyển giao sẽ làm tăng hiệu suất khi hãng đang nhập hai nhà máy tại Việt Nam (đang đặt tại Hưng Yên và Hải Phòng) làm một.

Theo Nipon, khoảng 200 công nhân mảng TV tại Thái Lan sẽ được chuyển sang các bộ phận khác ở nhà máy Rayong - cách thủ đô Bangkok 176km. LG Thái Lan hiện có khoảng 2.000 nhân viên và sẽ vẫn sản xuất các mặt hàng khác, như máy giặt hay điều hòa.

Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang dành nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, một loạt ông lớn đã chọn đây làm cứ điểm sản xuất hoặc mở rộng đầu tư. Chẳng hạn, Samsung đầu tư 7 tỷ USD cho 3 nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, Intel cũng công bố sản xuất dòng chip Haswell dành cho máy tính để bàn tại nhà máy ở Việt Nam và hy vọng có thể sản xuất được 80% nhu cầu toàn cầu đối với sản phẩm này tại đây trong vòng 6 tháng tới, Microsoft cũng chuyển một số dây chuyền sản xuất điện thoại từ Trung Quốc sang Việt Nam...

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng nhận định sẽ có một làn sóng dịch chuyển đầu tư trong lĩnh vực công nghệ vào Việt Nam, trong bối cảnh môi trường đầu tư trong nước đang tốt lên và Việt Nam đang trở thành điểm đến ưa thích, nhất là khi nhiều doanh nghiệp quốc tế đang dần rút khỏi Trung Quốc vì những bất ổn vĩ mô và giá nhân công cao.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.