Liên kết chuỗi giúp ngành chè phát triển bền vững

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Ðức Phát thăm và đánh giá cao mô hình hợp tác tại Công ty CP Chè Mỹ Lâm. Ảnh: Ðồng Văn.
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Ðức Phát thăm và đánh giá cao mô hình hợp tác tại Công ty CP Chè Mỹ Lâm. Ảnh: Ðồng Văn.
TP - Mỗi sản phẩm của Công ty CP chè Mỹ Lâm (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) đều có gắn lô gô “con ếch xanh”, do tổ chức Rainforest Alliance- tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững cấp và được tiêu thụ nhiều nước trên thế giới. Thăm mô hình này, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Ðức Phát đánh giá rất cao hiệu quả trong sản xuất chè tại đây.

Thay đổi tư duy

Trái với sự suy thoái chung của hệ thống nông lâm trường hoạt động sản xuất kinh doanh chè, Công ty CP chè Mỹ Lâm liên tục phát triển ổn định, bền vững. Cán bộ, công nhân của công ty nói vui rằng, thành quả đó là nhờ nỗ lực của mỗi người biết chăm lo bảo vệ “con ếch xanh”.

Vậy “con ếch xanh” là gì? Ông Trần Quốc Văn, Phó Giám đốc công ty cho biết: Mỹ Lâm là doanh nghiệp chè đầu tiên của Việt Nam được lựa chọn thực hiện dự án phát triển chè bền vững, nằm trong chương trình hợp tác công tư giữa Bộ NN&PTNT và Tập đoàn Unilever. 

Unilever là tập đoàn hóa mỹ phẩm và tiêu dùng lớn nhất thế giới đang tiêu thụ 15% sản lượng chè toàn cầu. Tập đoàn cũng cam kết hỗ trợ công ty thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp bền vững và sẽ thu mua ổn định sản phẩm đạt chứng nhận Rainforest Alliance -Chứng nhận “con ếch xanh”.

Thực tế, ngoài Unilever, một số tập đoàn tiêu thụ tới 90% sản lượng chè toàn thế giới chỉ thu mua chè đạt chứng nhận Rainforest Alliance. Năm 2010, Mỹ Lâm bắt tay sản xuất chè theo “con ếch xanh” và đến năm 2013, họ chính thức được cấp chứng chỉ và là thành viên của tổ chức Rainforest Alliance.

Quả thật, để đạt được chứng chỉ nông nghiệp bền vững trên, yêu cầu người sản xuất, kinh doanh phải thuộc “nằm lòng” 10 nguyên tắc: Bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn nguồn nước, đối xử công bằng và điều kiện làm việc người lao động, sức khỏe nghề nghiệp và an toàn lao động, quan hệ cộng đồng, quản lý sâu bệnh tổng hợp IPM, quản lý và bảo tồn đất và quản lý rác thải tổng hợp.

Sản phẩm chè đạt chứng nhận Rainforest Alliance khi thực hiện quy trình đảm bảo các nguyên tắc trên. Cùng với 10 nguyên tắc đó, là 99 tiêu chí đánh giá, truy xuất nguồn gốc được tổ chức cấp chứng nhận giám sát.

“Quan trọng nhất với nông dân chính là thay đổi nhận thức. Việc của chúng tôi là tiếp xúc và hướng dẫn cách làm cho họ, giúp họ thấy được lợi ích trước mắt, lâu dài để tham gia vào trong chuỗi liên kết toàn cầu đó. Ở đây, Chính phủ cũng cần xem xét, hỗ trợ nông dân trong giai đoạn đầu, giúp họ vững tin hơn, cùng với nhà máy, doanh nghiệp liên kết tạo ra chuỗi giá trị”.

Ông Trần Vũ Hoài, Phó Chủ tịch Unilever Việt Nam 

Theo lãnh đạo công ty chè Mỹ Lâm, qua tập huấn đến thực hiện, quy trình sản xuất mới đã thay đổi tư duy, cách thức sản xuất của lao động ngành chè. Chẳng hạn, trước đây, ai cũng có thể hái chè, phun thuốc, chăm sóc, chế biến chè, nhưng nay đã khác. Ðơn vị cấp chứng nhận có thể bất ngờ đến kiểm tra, thấy trẻ em đeo giỏ đi hái chè, lập tức họ thu lại chứng nhận. Hay, công ty có một đội dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật, người phun thuốc được trang bị thiết bị bảo hộ. Tất cả các hoạt động đều được ghi chép thành nhật ký để truy nguyên nguồn gốc.

Chị Võ Thị Hương- công nhân đội 17, Cty chè Mỹ Lâm cho biết, cách làm mới giúp bà con thu nhập cao hơn. Qua 3 năm, năng suất chè tăng tới 25%, giá bán tăng 15%. Người trồng chè có niềm tin vào thu nhập từ chè sẽ ổn định, bền vững trong tương lai; và quan trọng là phương thức làm theo theo tiêu chuẩn quốc tế giúp bà con gìn giữ sức khỏe và môi trường sống của chính mình.

Lên kệ hàng thế giới

Chất lượng chè đen và chè xanh Mỹ Lâm hiện đang dẫn đầu cả nước với thị trường tiêu thụ ở nhiều nước trên toàn thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Ba Lan, Anh, Nga, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất…

Sản phẩm chè Mỹ Lâm được hàng triệu người trên thế giới tin dùng mỗi ngày với trên 90% sản lượng chè được tiêu thụ bởi tập đoàn Unilever. Với sản lượng đạt xấp xỉ 2.000 tấn/năm, doanh thu Cty chè Mỹ Lâm đạt gần 100 tỷ đồng/năm. Ngoài cam kết thu mua sản phẩm, phía Unilever còn yêu cầu Mỹ Lâm tiếp tục mở rộng sản xuất để tăng sản lượng bán.

Ông Lê Quang Chuyền, GÐ Cty CP chè Mỹ Lâm cho biết, Rainforest Alliance giúp doanh nghiệp giành được lợi thế cạnh tranh và có nhiều cơ hội tham gia vào thị trường mới. Chứng chỉ này là phương cách duy nhất hiện nay để duy trì sản xuất, ổn định đời sống công nhân. Công ty đã đặt ra mục tiêu tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, qua đó nâng cao thu nhập của người làm chè từ 80 triệu hiện nay lên 150 triệu/ha/năm vào năm 2020.

MỚI - NÓNG