Liên kết giữa người nuôi cá với DN xuất khẩu

Liên kết giữa người nuôi cá với DN xuất khẩu
TP - Gần đây, giá cá tra nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã giảm nhẹ từ 300 đồng đến 500 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 9
Liên kết giữa người nuôi cá với DN xuất khẩu ảnh 1

Hiện nay giá cá tra loại 1 chỉ còn khoảng 16.800 đồng/kg, thấp hơn giá thành (giá thành khoảng 17.000 đồng/kg), người nuôi cá vẫn tiếp tục bị lỗ.

Ngoài ra, theo đánh giá của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) luợng cá tra nguyên liệu của ĐBSCL chỉ còn khoảng 300.000-400.000 tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ cá tra từ nay đến cuối năm đang tăng cao, do vậy nguy cơ thiếu cá tra nguyên liệu cho chế biến.

Trước tình hình trên, các tỉnh ĐBSCL đang phát triển các hình thức liên kết giữa người nuôi với các doanh nghiệp chế biến cá tra và tìm các biện pháp hạn chế tình trạng nuôi cá tự phát như thời gian qua và phát triển nuôi cá tra theo quy hoạch, kế hoạch.

Phong trào nuôi cá trá ở các tỉnh ĐBSCL phát triển mạnh trong những năm gần đây, năm 2005 diện tích nuôi cá tra là 4.900ha nhưng đã tăng lên trên 6.000ha những tháng đầu năm 2008 và đưa sản lượng cá từ 700.000-800.000 tấn đã tăng lên khoảng 1,3 đến 1,4 triệu tấn trong năm 2008. Phong trào nuôi cá tra chủ yếu tập trung ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang...

Theo ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang: Một nguyên nhân khác làm cho giá cá tra năm nay giảm mạnh là do nhiều nhà máy giảm công suất chế biến để dễ đàm phán nâng giá xuất khẩu (hiện nay giá cá tra xuất khẩu vào thị trường EU khoảng 3,2 USD/kg).

Vì vậy, ước tính hiện nay ở ĐBSCL có khoảng 30% số hộ nuôi cá tra phải ngưng nuôi, treo hầm vì bị lỗ nặng, kiệt sức dẫn đến nguồn nguyên liệu cá tra cho chế biến sẽ thiếu hụt trong những tháng tới là chắc chắn.

Trước tình hình trên, để đảm bảo vụ nuôi cá tra năm 2009 thắng lợi, nhiều địa phương nuôi cá tra đang đề ra và nhân rộng nhiều mô hình mới trong việc liên kết người nuôi cá tra với các doanh nghiệp chế biến để đảm bảo cho phong trào nuôi cá tra phát triển theo quy hoạch, kế hoạch, tức là phát triển theo hướng bền vững.

Điển hình như ở thành phố Cần Thơ có mô hình Hợp tác xã Thới An (huyện Ô Môn) đầu vụ 2008 đã hợp đồng với Cty chế biến thủy sản Hùng Vương bao tiêu 12.600 tấn cá tra nguyên liệu trong vụ nuôi năm nay với phương thức công ty cung ứng cho HTX 70% lượng thức ăn cho cá, HTX lo 30% lượng còn lại và hai bên thỏa thuận giá mua bán ngay từ đầu vụ, khi giá cả thị trường có biến động thì HTX vẫn bảo đảm người nuôi cá có lời và Cty cũng được lợi vì chủ động được nguồn nguyên liệu...

Bên cạnh đó, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng kêu gọi các doanh nghiệp chế biến thủy sản chủ động xây dựng vùng nguyên liệu cho từng nhà máy và liên kết với người nuôi cá ở các địa phương.

VASEP cũng yêu cầu các địa phương, các doanh nghiệp chỉ nên cân đối việc nuôi và chế biến sản lượng cá tra năm 2009 bằng sản lượng của năm 2008 để tránh tình trạng cung vượt cầu như vụ cá tra năm 2008 gây thiệt hại cho người nuôi cá, các doanh nghiệp chế biến và nền kinh tế.

MỚI - NÓNG