Liên tiếp các công ty đa cấp thông báo đóng cửa

TPO - Tiếp sau việc 2 công ty đa cấp là Công ty TNHH Zija Quốc tế và Công ty Cổ phần Zogo thông báo chấm dứt hoạt động, Công ty TNHH My Fortuna cũng vừa thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ sau một năm hoạt động.

Cũng theo Cục Quản lý cạnh tranh, công ty đa cấp My Fortuna, địa chỉ trụ sở chính số 37/M2 Khu đô thị Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp lần đầu ngày 1/2/2016 đã có thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp trên toàn quốc. Công ty này cũng đề nghị giải tỏa số tiền ký quỹ sau khi chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp.

Cục Quản lý cạnh tranh cho hay, đến nay chưa chưa tiếp nhận bất kỳ đơn nào của người tham gia bán hàng đa cấp khiếu nại Công ty TNHH My Fortuna. Trong thời hạn 30 ngày, người tham gia bán hàng đa cấp của Công ty TNHH My Fortuna có quyền thông báo đến Cục nếu như công ty chưa hoàn thành các nghĩa vụ quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

Trường hợp không có thông báo nào của người tham gia bán hàng đa cấp gửi tới Cục trong thời hạn nêu trên, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ ban hành văn bản chấp thuận giải tỏa ký quỹ cho doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp đã hoàn thành các nghĩa vụ quy định.

Trước đó, Công ty TNHH Zija Quốc tế cũng thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp trên toàn quốc do kinh doanh không hiệu quả sau gần 2 năm được cấp giấy phép kinh doanh đa cấp.

Trong báo cáo của Bộ Công Thương mới đây, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian qua nhiều công ty đa cấp đã đóng cửa, ngừng hoạt động vì nhiều lý do khác nhau.

Nếu như tại thời điểm cuối năm 2015, đầu năm 2016, có 67 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, đến cuối năm 2016, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã giảm 27 doanh nghiệp xuống còn 40 doanh nghiệp. Trong số này, có 15 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận, 10 doanh nghiệp chủ động chấm dứt hoạt động và 2 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Trong 4 tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp tiếp tục giảm thêm 4 doanh nghiệp, trong đó có 3 doanh nghiệp chủ động chấm dứt hoạt động và 1 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Tính tới hết tháng 4 năm 2017, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp còn hoạt động là 36 doanh nghiệp, giảm 46% so với cuối năm 2015.

Việc kinh doanh đa cấp gặp nhiều khó khăn cũng thể hiện qua việc, theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2016 đạt khoảng 7.800 tỷ đồng, giảm khoảng 200 tỷ đồng so với năm 2015 (giảm 2,5%).

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, đến hết năm 2016 có 11 doanh nghiệp đạt lợi nhuận dương với tổng lợi nhuận ước đạt 177 tỷ, 18 doanh nghiệp báo cáo lỗ và 8 doanh nghiệp không thực hiện báo cáo đối với chỉ tiêu này; tổng số thuế đã nộp về ngân sách nhà nước trong năm 2016 ước đạt 881 tỷ đồng.

“Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp là rất thấp khi có tới 18/37 doanh nghiệp (trên 50%) năm 2016 báo cáo lỗ. Một số doanh nghiệp có doanh thu rất cao nhưng tỷ lệ lợi nhuận trước thuế/doanh thu rất nhỏ (Công ty Amway chỉ đạt 3,8%, Công ty Thiên Ngọc Minh Uy chỉ đạt 0,5%). Đóng góp thực sự của các doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước, vì vậy, là không đáng kể, chủ yếu đến từ thuế giá trị gia tăng do người tiêu dùng chi trả, không phải từ thuế thu nhập doanh nghiệp”, Bộ Công Thương cho hay.

MỚI - NÓNG