Lỗ chồng lên lỗ, DN đề nghị cứu xuất khẩu

Lỗ chồng lên lỗ, DN đề nghị cứu xuất khẩu
TP - Theo ông Nguyễn Thái Học, Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam, với tình hình như hiện nay DN xuất khẩu vừa bị lỗ trong giá xuất khẩu, vừa bị lỗ trong việc quy đổi tỷ giá. Điều đó cũng có nghĩa lỗ chồng lên lỗ.
Lỗ chồng lên lỗ, DN đề nghị cứu xuất khẩu ảnh 1
Hàng may mặc xuất khẩu đang chịu nhiều áp lực từ việc tăng giá đầu vào và đồng đôla giảm giá Ảnh: Minh Quân

Chưa có hội nghị giao ban xuất khẩu thường kỳ nào diễn ra với không khí căng thẳng và nhiều bức xúc như cuộc giao ban diễn ra chiều 14/3, tại TPHCM.

Ngoài đại diện Bộ Công Thương (BCT), các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) như thường lệ còn có sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý nhà nước như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và nhiều ngân hàng thương mại.

Càng xuất càng lỗ

“Tốc độ xuất khẩu đang giảm rất mạnh” – Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên khởi đầu hội nghị bằng một thông tin như vậy. Ông cho biết, lượng xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm nay giảm gần 1/2 so với cùng kỳ năm 2007.

Vụ trưởng Vụ XNK Bộ Công Thương Phạm Thế Dũng bổ sung thêm bằng một số con số cụ thể: Chỉ trong chưa đầy một tháng, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) giảm từ 29% (hai tháng đầu năm) xuống còn 23% (ước trong tháng 3). “Nếu trừ dầu thô, KNXK thực chất chỉ tăng khoảng 15%”- ông Dũng nói. Cũng theo dự báo, xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm mạnh trong những tháng tiếp theo.

Nguyên nhân, theo các DN, do đôla mất giá so với tiền đồng, trong khi đó nguồn nguyên liệu đầu vào tăng vọt. Cũng trong khi đó, chính sách tiền tệ hiện tại gây nhiều bất lợi cho các DN xuất khẩu như lãi suất cao, tỷ giá đồng đôla mua vào của các ngân hàng thấp và việc thu mua đồng đôla của các ngân hàng với số lượng rất hạn chế… làm cho DN thiếu tiền đồng nghiêm trọng gây khó khăn cho việc giao dịch trong nước, ảnh hưởng đến việc tái đầu tư cho sản xuất.

Theo ông Nguyễn Thái Học, Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam, với tình hình như hiện nay DN xuất khẩu vừa bị lỗ trong giá xuất khẩu, vừa bị lỗ trong việc quy đổi tỷ giá. Điều đó cũng có nghĩa lỗ chồng lên lỗ.

Ông Học nêu dẫn chứng, giá nguyên liệu đầu vào hiện tăng 40%, các chi phí khác như giá nhân công, lãi suất ngân hàng đều tăng cao… trong khi giá bán ra chỉ tăng 20-25%. Tính sơ bộ, DN lỗ về giá khoảng 15-20% và đối với mỗi tấn sản phẩm xuất khẩu, DN lỗ 2-2,5 triệu đồng. Nếu tính từ nay đến tháng 9/2008, tổng giá trị hàng hóa các DN trong Hiệp hội điều xuất khoảng 300 triệu USD thì phải chịu lỗ 150-160 tỷ.             

Nguy cơ ngừng xuất khẩu

Cũng theo ông Học, các DN hiện nay đang phải đứng trước hai lựa chọn: Hoặc phải đẩy mạnh xuất khẩu để đảm bảo chỉ tiêu xuất khẩu như Chính phủ đề ra (tăng trưởng 25% trong năm 2008) hoặc là buộc phải thu hẹp sản xuất, xuất khẩu để giảm lỗ.

“Sẽ không có DN nào dám lựa chọn khả năng thứ nhất, vì điều đó đồng nghĩa với… tự sát”- ông Phạm Xuân Hồng, TGĐ Cty CP May Sài Gòn 3 trao đổi với Tiền phong.

Theo ông  Hồng, để bảo toàn, các DN hiện nay đang theo xu hướng thứ hai, tức giảm sản xuất, xuất khẩu. Nếu tình trạng khó khăn này không được cải thiện và kéo dài đến khoảng cuối tháng Tư thì nhiều DN trong ngành may, nhất là các DN “yếu” sẽ trong tránh khỏi tình trạng tạm ngưng xuất khẩu và sa thải công nhân.

Ông Phạm Trung Cang - Phó Chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam cũng xác nhận: “Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, các DN không còn con đường nào khác là phải ngưng xuất khẩu và sa thải công nhân”.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Quyền TGĐ Cty XNK Intimex, các DN hiện nay đang cố tìm nhiều cách để “vùng vẫy” nhưng xem ra vô cùng khó vì… “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”. Chẳng hạn, với giá cà phê trong nước tăng cao như hiện nay, các DN không hủy hợp đồng đã ký nhưng mua cà phê của nước ngoài và bán cho nước ngoài.

Tuy nhiên, theo ông Nam, cách này là vô cùng nguy hiểm về lâu dài, vì điều đó chẳng khác nào loại cà phê Việt Nam ra khỏi sân chơi. Cũng theo ông Nam, để xuất khẩu không bị giảm, nhiều DN muốn tăng cường nhập khẩu để bù lỗ trong việc nhập khẩu nhưng ngân hàng không chấp nhận cho vay để làm việc này.

Tự cứu mình

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, song đại diện các DN và hiệp hội cũng chỉ ra nhiều biện pháp để tự cứu mình, ít nhất trong thời gian trước mắt. Ông Phạm Xuân Hồng cho rằng, giải pháp tốt nhất hiện nay là nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất.

Đại diện Hiệp hội lương thực Việt Nam cho biết Hiệp hội sẽ ra quy chế để bảo toàn cho các DN. Theo đó, yêu cầu các DN tạm ngưng ký hợp đồng giao hàng trong tháng Ba để xem xét, đồng thời DN nào muốn ký hợp đồng mới phải có lượng hàng tồn kho quá 50% so với hợp đồng đã ký và thời gian giao hàng không kéo dài quá hai tháng…

Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc mà bản thân các DN không tự giải quyết mà phải có bàn tay của Chính phủ. Ông Hà Nam đề nghị các ngân hàng thương mại cần ưu tiên thu mua nguồn ngoại tệ của các DN xuất khẩu cũng như nguồn ngoại tệ có nguồn gốc từ xuất khẩu; có chính sách lãi suất ưu tiên cho các DN xuất khẩu…

Ông Hoàng Cảnh - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến gỗ Việt Nam đề nghị cần có chính sách bảo hiểm xuất khẩu và bảo hiểm lãi suất đối với hoạt động xuất khẩu. Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên ghi nhận những đề xuất của DN, đồng thời cho biết sẽ sớm có đề xuất với Chính phủ để tháo gỡ những “nút cổ chai” này trong thời gian sớm nhất.

Song ông Biên cũng đề nghị DN cần chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng như cơ cấu ngoai tệ thanh toán để tránh phụ thuộc vào một thị trường hay một đồng ngoại tệ.

MỚI - NÓNG