Lo hội nhập: Ngân hàng muốn tăng vốn, nới room

Sắp hội nhập, ngân hàng ráo riết lo tăng vốn.
Sắp hội nhập, ngân hàng ráo riết lo tăng vốn.
TP - Hội nhập quốc tế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngân hàng nói riêng được tham gia vào thị trường rộng lớn với các luật chơi công bằng, bình đẳng. Tuy nhiên, dự báo hệ thống tài chính Việt Nam sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức.

Nhiều yếu điểm

Nhìn vào thách thức ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank phân tích: ở giác độ hệ thống: hệ thống tài chính còn mất cân đối do phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng, quy mô vốn còn nhỏ bé. Khuôn khổ pháp lý và năng lực quản trị còn có khoảng cách so với khu vực, khi độ mở của hệ thống tài chính tăng lên dễ bị tổn thương trước các cú sốc từ bên ngoài.

Ở giác độ từng ngân hàng, ông Thành nhìn nhận: thách thức lớn nhất là sự bất cân xứng về năng lực quản trị và năng lực tài chính. So với các nước phát triển, hầu hết các định chế tài chính Việt Nam còn non trẻ, đang trong quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình; sản phẩm dịch vụ còn chưa đa dạng, cơ cấu thu nhập còn nặng về thu lãi, quy mô dịch vụ ngân hàng bán lẻ còn nhỏ bé; quy mô vốn nhỏ, hiệu suất sinh lời thấp… Do đó năng lực cạnh tranh sẽ bị hạn chế khi cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng nước ngoài. 

Nói về  điểm yếu của ngân hàng Việt Nam, Chủ tịch nhà băng được hướng đến mục tiêu là ngân hàng số 1 để vươn tầm khu vực này lưu ý: hệ thống ngân hàng Việt Nam có quy mô vốn còn nhỏ bé, mức độ đủ vốn thấp. Thêm vào đó, các ngân hàng Việt Nam đang chuẩn bị để áp dụng Basel II trong quản trị rủi ro (10 NHTM thí điểm áp dụng mức độ tiêu chuẩn vào đầu 2016 và áp dụng đầy đủ vào năm 2019) với các yêu cầu về vốn khắt khe hơn. Do đó, việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính là hết sức quan trọng.

Một thực tế là dù còn nhiều khó khăn do bối cảnh kinh tế chung nhưng  trong những năm qua các TCTD vẫn nỗ lực cải thiện năng lực tài chính và tăng vốn điều lệ. Năm 2012, vốn điều lệ toàn hệ thống tăng 11,29% , năm 2013 vốn điều lệ tăng 8,12% và đến cuối năm 2014 vốn điều lệ của toàn hệ thống ~ 436 nghìn tỷ đồng, tăng 3,29% so với cuối năm 2013. Hệ số CAR của toàn hệ thống hiện ở mức khá cao (~ 13%, so với 11,9% năm 2011).

Kiến nghị nới room lên 35%

Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách và nguồn lực trong nước còn hạn chế, ông Thành bày tỏ kiến nghị Ủy ban thường vụ QH, CP cần xem xét:  cho phép các NHTM Nhà nước được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức thay vì trả cổ tức bằng tiền mặt, sử dụng nguồn thặng dư để tăng vốn điều lệ; Cùng với đó, xem xét có lộ trình về việc nâng giới hạn sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng từ mức 30% hiện nay lên 35% trong 1 vài năm tới và cao hơn vào các năm tiếp theo. Đồng thời, có lộ trình giảm tiếp tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các NHTMNN; Và cuối cùng có chế tài yêu cầu các Ngân hàng không đáp ứng yêu cầu về vốn tối thiểu phải tăng vốn, nếu không đáp ứng buộc phải sáp nhập, hợp nhất hoặc cho phá sản.

“NHNN đã cho phép và hướng dẫn các NHTM chuẩn bị áp dụng Basel II, và  đã chủ trì dự thảo quy định về áp dụng Basel II. Tuy nhiên, thời gian còn lại tính đến mốc dự kiến áp dụng (đầu 2016) còn rất ngắn, để các NHTM có thể chuẩn bị các điều kiện cần thiết, NHNN cần sớm ban hành văn bản chính thức và tổ chức hướng dẫn để các NHTM triển khai thực hiện.”- Ông Thành kiến nghị.

Việc thành lập công ty mua bán nợ (VAMC) và hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đã giúp đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu. Tính đến tháng 9/2015, VAMC đã mua được trên 200 ngàn tỷ đồng dư nợ xấu. Từ năm 2012 đến hết tháng 9/2015, hệ thống các TCTD đã xử lý được ~ 91% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012, góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu từ mức hai con số xuống còn ~ 2,9% ở thời điểm hiện nay. Để thúc đẩy tiến độ xử lý nợ xấu tốt hơn, Chủ tịch Vietcombank cũng cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của VAMC và các TCTD đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ tồn đọng, nợ xấu có TSBĐ.

MỚI - NÓNG