Lơ lửng một đại dự án

Lơ lửng một đại dự án
TP - Dự án Khu liên hợp Thép Cà Ná động thổ vào ngày 23-11-2008 tại xã Phước Diêm, huyện Ninh Phước (nay là huyện Thuận Nam) trong niềm kỳ vọng của lãnh đạo các cấp và nhân dân tỉnh nghèo Ninh Thuận. Thế nhưng đến nay, đại dự án này… bất động.

Dự án này có tổng vốn đầu tư lên đến 156.700 tỷ đồng, tương đương 9.793 triệu USD, liên doanh giữa Cty Maju Stabil SDN (thuộc Tập đoàn Lion - Malaysia) và Vinashin (Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam), thời gian thực hiện 50 năm.

Dự án Khu liên hợp Thép Cà Ná gồm khu liên hợp thép, Nhà máy nhiệt điện và cảng biển.

Giai đoạn I của dự án (2008 - 2010) sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng tổ hợp nhà máy thép có công suất 4,5 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm (tổng công suất dự án 14,4 triệu tấn thép thô/năm); đầu tư hai nhà máy nhiệt điện có tổng công suất 1.450MW, cảng biển có công suất bốc dỡ 15 triệu tấn/năm. Nguồn vốn giai đoạn I là 43.988 tỷ đồng Vinashin góp 26%.

Đến nay, Vinashin đã ứng 84 tỷ đồng/130 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng 662 ha đất cho giai đoạn I. Từ sau ngày khởi công đến nay, số tiền bồi thường còn lại chưa đến tay người bị giải tỏa ở thôn Thương Diêm I và II (xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam) và khu tái định cư 1,3 ha (đợt I) vẫn còn... trên giấy.

Theo quy định, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có thể thu hồi giấy chứng nhận đầu tư cấp vì dự án đã chậm triển khai 17 tháng.

Tuy nhiên vì kỳ vọng vào dự án sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh nghèo và sự tôn trọng đối với nhà đầu tư, UBND tỉnh Ninh Thuận đã nhiều lần làm việc với lãnh đạo hai tập đoàn cũng như gửi các văn bản hướng dẫn, đôn đốc hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án.

Ngày 21-12-2009, sau buổi làm việc giữa UBND tỉnh Ninh Thuận với lãnh đạo Cty Maju Stabil SDN và Vinashin, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Đỗ Hữu Nghị đã đồng ý cho Tập đoàn Lion không thực hiện hợp phần cảng hàng hóa.

Lãnh đạo tỉnh  yêu cầu chủ dự án phải thể hiện quyết tâm đầu tư bằng các hành động cụ thể với các nội dung: Thành lập tổ chức có đủ pháp nhân đại diện chủ đầu tư tại Ninh Thuận; công tác lập dự án, phê duyệt dự án, khảo sát địa chất, tiến độ góp vốn, ưu tiên ứng vốn để giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư...

Theo UBND tỉnh Bình Thuận sau ngày 5-1-2010, chủ đầu tư chưa có văn bản trả lời hoặc có nhưng không cụ thể, UBND tỉnh sẽ thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Thế nhưng đến nay, tỉnh Ninh Thuận chưa chính thức nhận được hồi âm.

Anh Đỗ Cảnh Tâm ở Phước Diêm cho biết, đã nhận 70% tiền bồi thường đìa tôm từ tháng 11-2007, sau đó được hẹn lần lữa rồi... im luôn.  Anh Tâm nói: “Có dự án to, anh em chúng tôi tin là sẽ có việc làm, tiếc là...”. Anh Tâm cho biết, ao đìa đã được bồi thường giờ bỏ hoang.

Anh Võ Văn Vũ có 1,85 ha đìa tôm, trước năm 2007, mỗi năm anh lãi khoảng 400 triệu đồng. Anh Vũ đã nhận 70% tiền bồi thường đất, được gần 500 triệu đồng.

Khi chúng tôi đến thăm, anh Vũ đang lợp mái hiên bằng tôn dỡ từ căn nhà nhỏ trên đìa tôm. Mỗi năm tôi bị thiệt hại ít nhất 300 triệu đồng vì không nuôi tôm, còn phải bán tháo bán đổ máy móc, dụng cụ...

Cũng có người không đồng ý nhận tiền, vì cho rằng bồi thường giá thấp, như chủ đìa tôm Bảy Nao. Hiện ông vẫn tiếp tục nuôi tôm.

Nhiều người cho biết, vì đất và tài sản trên đất đã được bồi thường nên nhiều kẻ xấu cho rằng tài sản đó là... của nhà nước, nên tha hồ lấy cắp đồ vật, chặt phá cây cối khiến mọi người không dám trồng cả cây ngắn ngày, đành bỏ đất hoang dù chủ đầu tư chưa sử dụng.

Nhiều hộ chăn nuôi gia súc sau lễ khởi công đại dự án đã vội vàng bán cả ngàn bò, dê, cừu, vì họ lo sợ công trường chiếm đất không còn chỗ cho gia súc gặm cỏ. Sau thời gian ngóng đợi, có hộ chăn nuôi trở lại sửa chuồng trại, chăn nuôi gia súc.

Nhìn đất hoang tiếc rẻ nhưng không dám đầu tư sản xuất dù chưa nhận được tiền bồi thường; nhà hư dột không dám sửa chữa vì đã kiểm kê; nhận tiền rồi thì ngóng cổ chờ đất tái định cư... là nỗi bức xúc của người dân trong vùng dự án được phản ánh qua những lần đại biểu HĐND các cấp tiếp xúc cử tri.

Ngoài ra, nhằm chuyển nghề, nhiều hộ mạnh dạn vay Ngân hàng NN&PTNT huyện Ninh Phước hay vay nóng bên ngoài, bây giờ, họ chỉ biết chìa quyết định thu hồi, bảng kiểm kê, áp giá bồi thường mà khất nợ ngân hàng. Các hộ Lê Trực Giác, Phan Văn Em, Nguyễn Nhật Thành, Nguyễn Bố... nợ từ 100 đến 200 triệu đồng là điển hình.

Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Trước và chủ tịch UBND xã Trần Thị Huệ đồng ý với ý kiến cấp trên là cần trả lời dứt khoát với dân là liên doanh giữa Tập đoàn Lion-Vinashin có tiếp tục thực hiện dự án hay không.

Nhiều nhà đầu tư lớn tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư tại Ninh Thuận (tháng 10-2009) đã quan tâm, tìm hiểu và đăng ký triển khai một số dự án lớn tại vị trí thuận lợi với nhiều lợi thế đã giao cho liên doanh Lion-Vinashin.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.