Lo ngại việc bỏ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Lo ngại việc bỏ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
TPO - Thẩm tra dự án luật Luật Đầu tư (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến lo ngại việc bãi bỏ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có thể gây khó khăn cho công tác quản lý, đặc biệt là việc quản lý dòng vốn thực đưa vào đầu tư.

Sáng nay, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh trình bày dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) với nhiều điểm mới nhằm đơn giản hóa thủ tục đầu tư.

Theo dự thảo luật, sẽ bỏ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư (trừ dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện và các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của QH, Thủ tướng Chính phủ). Quy định này được áp dụng thống nhất cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài cần thực hiện thủ tục thông báo dự án đầu tư gồm những nội dung cơ bản về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tổng vốn đầu tư, thời hạn dự án, tiến độ thực hiện. Trong trường hợp hồ sơ thông báo không hợp lệ hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, việc áp dụng thủ tục thông báo đầu tư không tạo thêm gánh nặng hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài vì thực chất quy định này chỉ nhằm đổi mới phương thức quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài từ việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sang cơ chế nhà đầu tư thông báo hoạt động đầu tư, tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư của mình và cơ quan quản lý thực hiện “hậu kiểm” cũng như xử lý các vấn đề phát sinh theo quy định của pháp luật. Đây cũng căn cứ để ràng buộc, nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Việc thực hiện quy định này không trái với cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế.

Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Kinh tế cho biết, cũng có ý kiến lo ngại việc bãi bỏ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có thể gây khó khăn cho công tác quản lý, đặc biệt là việc quản lý dòng vốn thực đưa vào đầu tư. Tuy nhiên, đa số ý kiến trong ủy ban cho rằng, việc quy định cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho những dự án đầu tư vào hoạt động thương mại, dịch vụ thông thường là không cần thiết, gây phiền hà, tốn kém.

Đối với quy định thủ tục thông báo đầu tư trong dự thảo luật, Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây về bản chất là một loại giấy phép, nên các quy định dự thảo luật vẫn chưa thể hiện được bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính như mục tiêu sửa đổi. Hơn nữa, bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay thông báo đầu tư không làm mất đi công cụ quản lý của nhà nước bởi các cơ quan quản lý vẫn có thể thực hiện chức năng của mình thông qua công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được pháp luật quy định.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời rà soát, loại bỏ những thủ tục không cần thiết để tạo bước đột phá về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư.

Về cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư ra nước ngoài, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng trong bối cảnh Việt Nam chưa tự do hóa các giao dịch vốn, nước ta rất cần vốn để phát triển kinh tế thì chưa nên khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Vì vậy, việc bỏ hoàn toàn thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài là chưa phù hợp, nhất là để quản lý, kiểm soát dòng vốn đầu tư ra nước ngoài.

Đối với thẩm quyền quyết định đầu tư trong nước, Ủy ban Kinh tế cho rằng để tạo sự minh bạch thì cần quy định những loại dự án thuộc thẩm quyền quyết định của QH, của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ trong Luật. Đồng thời với các ngành, lĩnh vực đặc thù như: dầu khí, viễn thông, năng lượng nguyên tử, truyền tải điện... chỉ thuộc quyền quản lý thống nhất ở cấp trung ương để bảo đảm tính an toàn, hiệu quả và hạn chế đầu tư dàn trải, phá vỡ quy hoạch ngành, quy hoạch vùng.

MỚI - NÓNG