Lợi dụng COVID-19, gia tăng trục lợi bảo hiểm thất nghiệp

COVID-19 khiến nhiều người lao động bị mất việc. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
COVID-19 khiến nhiều người lao động bị mất việc. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
6 tháng đầu năm 2020, BHXH Việt Nam đã ban hành 82 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH và thu hồi 4,326 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi dụng dịch COVID-19, nhiều đối tượng, doanh nghiệp đã gian lận hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Theo BHXH Việt Nam, do ảnh hưởng chính từ đại dịch COVID-19, 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có 531.321 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng gần 30% so với 6 tháng đầu năm 2019).

“Ngành đã phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết cho 474.622 người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BH thất nghiệp), tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó có 468.152 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 6.470 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BH thất nghiệp) cũng đã chi trả tổng số tiền 5.757 tỷ đồng”, thống kê của BHXH Việt Nam cho hay.

Số lao động bị mất việc làm tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến chế tạo; bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống…

Đáng chú ý, lợi dụng dịch COVID-19, nhiều đối tượng, doanh nghiệp đã gian lận hồ sơ, thỏa thuận ngầm để trục lợi.

Đơn cử, tại Bình Thuận, bà Trần Thị Thơ, Phó Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH tỉnh Bình Thuận), cho biết hết tháng 6/2020, trên địa bàn tỉnh này có 6.134 người được hưởng chế độ BH thất nghiệp, với số tiền hưởng hàng tháng gần 17 tỷ đồng, tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2019. Theo dự báo của BHXH tỉnh, trong tháng tới, con số người hưởng BH thất nghiệp có xu hướng gia tăng khoảng 20% so với hiện nay.

Trước tình hình này, Trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với BHXH tỉnh xác minh. Qua đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, Trung tâm DVVL tỉnh và BHXH tỉnh đã hủy quyết định hưởng BH thất nghiệp của 217 trường hợp.

“Nhiều trường hợp dù đã xin được việc làm mới nhưng vẫn đăng ký nhận BH thất nghiệp hoặc có trường hợp có thu nhập khác, nghỉ sinh con cũng đăng ký nhận BH thất nghiệp. Thậm chí có trường hợp người lao động (NLĐ) và đơn vị sử dụng lao động “thỏa thuận ngầm” chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng BH thất nghiệp, trong khi thực tế NLĐ vẫn làm việc…”, lãnh đạo BHXH Bình Thuận cho hay.

Bà Lê Thị Hồng Vân, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Thuận cho biết, theo quy định, trường hợp NLĐ đã có việc làm mới sẽ phải chấm dứt ngay việc hưởng BH thất nghiệp, số tháng hưởng BH thất nghiệp còn lại sẽ được bảo lưu. Tuy nhiên, nhiều NLĐ vừa có việc làm mới, vừa hưởng BH thất nghiệp mà không tự động khai báo. Đây là một trong những hành vi phổ biến nhất trong trục lợi quỹ BH thất nghiệp.

Trong khi đó, đại diện Trung tâm DVVL tỉnh Bình Thuận, cho biết trung tâm chưa có công cụ hỗ trợ để kiểm tra NLĐ đã có việc làm mới hay chưa mà phụ thuộc hoàn toàn vào sự trung thực của NLĐ. Do vậy, những trường hợp gian lận chỉ được phát hiện khi họ có tham gia đóng BHXH ở nơi làm việc mới, khi phát hiện được thì rất nhiều trường hợp đã hưởng tới vài tháng BH thất nghiệp.

Theo nhận định của BHXH tỉnh Bình Thuận, một trong những nguyên nhân khiến trục lợi BH thất nghiệp gia tăng chính là thủ tục đăng ký hưởng BH thất nghiệp còn tương đối đơn giản. Đối với NLĐ nếu có đủ các loại giấy tờ (sổ BHXH, quyết định chấm dứt hợp đồng hoặc nghỉ việc, chứng minh nhân dân) là đủ điều kiện nộp hồ sơ đề nghị hưởng BH thất nghiệp. Hiện cũng chưa có phần mềm liên thông giữa BHXH tỉnh và Trung tâm DVVL nên việc trao đổi thông tin và kiểm soát quá trình tham gia BH thất nghiệp của NLĐ còn hạn chế.

Hiện nay, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) xây dựng dữ liệu kết nối liên thông về BH thất nghiệp qua Trục tích hợp quốc gia, hướng tới quản lý và giải quyết chế độ BH thất nghiệp trong toàn quốc được chặt chẽ, nhanh gọn, chính xác. Ngành cũng đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về chính sách BH thất nghiệp để NLĐ có ý thức tuân thủ nghiêm. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp ngành BHXH quản lý hiệu quả nguồn quỹ, tránh tình trạng trục lợi chính sách.

Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định rõ hành vi gian lận tiền BH thất nghiệp sẽ bị truy tố hình sự, với mức án cao nhất là 10 năm tù. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có trường hợp gian lận nào bị truy tố mà chủ yếu xử phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe.

MỚI - NÓNG