Lợn 'khỏa thân' tràn vào nội thành

Một lò giết mổ lậu nằm giữa phường Đại Mỗ và phường Dương Nội hoạt động công khai.
Một lò giết mổ lậu nằm giữa phường Đại Mỗ và phường Dương Nội hoạt động công khai.
TP - Vào lúc gần sáng và từ 12h - 15h hàng ngày, hàng loạt những chiếc xe gắn máy chở lợn đã giết mổ, người dân quen gọi là lợn “khỏa thân”, phóng vèo vèo từ các xã vùng ven vào trung tâm thành phố Hà Nội để tiêu thụ.

Lò mổ lậu tung hoành

Dưới cái nắng oi ả giữa tháng 5 chúng tôi lần theo dấu vết của những người đi ủng cao su, mặc quần áo mưa chạy xe gắn máy tới các cơ sở giết mổ tại xã La Phù. Các cơ sở giết mổ ở đây đều tập trung ở thôn Độc Lập, nơi gần ao hồ có ngã ba giao cắt với phường Dương Nội (Hà Đông) thuận tiện cho việc vận chuyển. 

Khoảng 12h trưa, bên trong các cơ sở giết mổ đã chật ních xe gắn máy của dân buôn đang chờ để lấy thịt, xương, nội tạng. Được một lúc sau chúng tôi phát hiện 2 chiếc xe thùng, trọng tải hơn 1 tấn màu trắng, tiếng lợn kêu inh ỏi bên trong. Xe từ từ lùi đuôi vào một cơ sở giết mổ, và lợn bắt đầu được đưa xuống.

Một lúc sau những chiếc xe gắn máy của dân buôn lũ lượt đi ra, với tần suất dày đặc. Lúc cao điểm, chỉ trong vòng 1 phút có tới 5 xe gắn máy chở thịt lợn chạy qua đoạn đường này. 

Mỗi xe gắn máy chở từ 1 đến 2 con lợn và các phụ phẩm tiết, lòng được treo xung quanh đỏ lòm. Lợn trên xe chỉ được phủ bằng một tấm vải ẩm ướt, cáu bẩn hoặc được che bằng bao tải, thậm chí nhiều xe không có vải che phủ vô tư phóng vèo vèo qua con đường bụi mù vì đất, cát bay lên theo những trận gió.

Ngoài điểm ở  xã La Phù một cơ sở giết mổ khác nằm ngay mặt đường giao thông liên xã giữa phường Dương Nội và phường Đại Mỗ cũng diễn ra cảnh tượng tương tự. Cơ sở giết mổ này được xây dựng rất sơ sài với diện tích khoảng 50 - 60m2, khung được dựng bằng tre, mái bằng tấm lợp, nền nhà được đổ xi măng. 

Thịt lợn, lòng, gan, phổi,... được vứt bừa bãi trên nền xi măng ẩm ướt. Chất thải, nước thải sau giết mổ đều đổ trực tiếp xuống kênh tiêu gần đó. Điều lạ là, hầu hết các xe chở thịt lợn đều chạy qua trụ sở UBND phường Dương Nội và UBND phường Đại Mỗ mà không bị cơ quan, tổ chức nào kiểm tra, ngăn chặn.

Chính quyền bất lực?

Ông Nguyễn Hữu Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã La Phù cho biết, hiện xã còn 6 cơ sở giết mổ tập trung tại 3 địa điểm. Tất cả các cơ sở giết mổ đều không có giấy phép, và hoạt động “chui”. Mỗi cơ sở hàng ngày giết, mổ khoảng gần 20 con lợn.

“Khó có thể biết được họ bắt lợn ở đâu, nguồn gốc ra sao, bản thân họ cũng không chấp hành khai báo”.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội

Theo ông Khoa, xã cũng đã tiến hành cắt điện tại các cơ sở này nhưng chủ các cơ sở vẫn tự ý đấu nối với nguồn điện từ phường Dương Nội để tiếp tục hoạt động giết mổ. Khó khăn của xã hiện nay là không có cán bộ phụ trách thú y để quản lý, tổng hợp hồ sơ xử lý các cơ sở vi phạm. Ông Khoa khẳng định, “hết bầu cử xã sẽ tập trung, kiên quyết xử lý các cơ sở giết mổ không phép này triệt để”!

Thượng tá Phùng Quang Hiển, Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường Hà Nội cho biết, không riêng gì các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ ở La Phù hay Đại Mỗ mà trên địa bàn thành phố Hà Nội còn có nhiều cơ sở giết, mổ gia súc khác đang trong tình trạng tương tự như ở Thường Tín, Chương Mỹ,...

Việc vận chuyển thịt lợn bằng xe máy, thịt lợn không được che phủ dưới thời tiết nắng nóng nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao. “Theo quy định thì việc vận chuyển phải được đóng gói bằng thùng tôn, thậm chí còn phải ướp lạnh hoặc bảo quản vận chuyển bằng xe tải đông lạnh”, ông Hiển nói.

Theo ông Hiển để xảy ra tình trạng này trước hết trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương với chức năng quản lý nhà nước, chứ không thể đùn đẩy cho thú y hay cơ quan chức năng khác. “Thực tế, hàng năm việc xử phạt của chính quyền cấp xã rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay, hoặc chỉ xử lý khi có sự chỉ đạo của các cơ quan cấp trên”.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho hay, hiện Hà Nội có khoảng 1.518 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Lợn “khỏa thân” tại các cơ sở giết, mổ nhỏ, lẻ được vận chuyển vào nội thành đang là thực trạng nhức nhối.  Đã có quy định xử phạt việc vận chuyển gia súc không đúng quy định nhưng thực tế Chi Cục chưa xử phạt trường hợp nào.

“Trước đây, Sở Công Thương Hà Nội đã có chương trình hỗ trợ vận chuyển gia súc bằng thùng tôn nhưng do khi sử dụng cũng chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên không được triển khai tiếp”, ông Sơn nói.

Lọt lưới kiểm dịch?

Khảo sát thực tế công tác kiểm dịch gia súc tại khu giết, mổ gia súc tập trung Vạn Phúc, Thanh Trì, một trong những cơ sở giết, mổ gia súc lớn hiện nay trên địa bàn thành phố cho thấy, việc kiểm dịch diễn ra hết sức nhanh chóng và hoàn toàn thủ công. 

Đầu tiên khi xe chở lợn sống tới cửa khu giết mổ một cán bộ thú y ra kiểm tra lâm sàng. Toàn bộ số lợn trên xe được kiểm tra nhanh chóng trong vòng vài phút. Sau đó xe được phun tiêu độc và cho vào các lò mổ. Đến giờ giết, mổ dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch các lò bắt đầu hoạt động. Lợn la liệt được giết, mổ phanh trên sàn, ngay sau đó được cán bộ kiểm dịch lăn dấu.

Thượng tá Phùng Quang Hiển, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường Hà Nội cho rằng, với thực trạng chất lượng kiểm dịch hiện nay cần phải trang bị cho cán bộ thú y thiết bị kiểm tra nhanh chứ “không phải ông cán bộ mở ra, mở vào rồi đóng dấu bụp phát là không được”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.