Lúa chất lượng cao tại ĐBSCL: Dân không mặn mà

Lúa chất lượng cao tại ĐBSCL: Dân không mặn mà
TP - Để đón “sân chơi” WTO, Chính phủ đã phê duyệt Đề án sản xuất 1 triệu tấn gạo chất lượng cao (CLC) phục vụ xuất khẩu vụ đông xuân 2006 - 2007 và giao cho Bộ NN & PTNT chủ trì.
Lúa chất lượng cao tại ĐBSCL: Dân không mặn mà ảnh 1
Năm 2004, Việt Nam xuất khẩu được hơn 120.000 tấn gạo CLC nhưng sang năm 2005 thì tụt xuống còn 68.000 tấn.

Thế nhưng, đến nay, khi vụ đông xuân đang đến gần, việc triển khai kế hoạch này vẫn rất chậm.

Chọn giống nào?

Đề án sản xuất 1 triệu tấn gạo xuất khẩu CLC dự tính sẽ triển khai tại 7 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng và Cần Thơ, với tổng diện tích hơn 200.000 ha.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Trồng trọt, thời gian qua, các địa phương này chưa chủ động triển khai kế hoạch. Tính đến cuối tháng 7, mới có 5 tỉnh rục rịch triển khai.

Bà Trần Ngọc Sương - Giám đốc Cty nông nghiệp Sông Hậu - cho rằng: Người dân chưa mặn mà lắm với chương trình sản xuất lúa CLC. Do cách làm manh mún của chúng ta thời gian qua đã giảm lòng tin đối với người dân về sự thành công của chương trình này.

Phát triển gạo chất lượng cao là tất yếu

Gạo CLC là gạo có hạt dài trên 6,2 mm, hạt đều và trong; tỷ lệ bạc bụng tối đa 4%, không có hạt lẫn.

 Năm 2004, Việt Nam xuất khẩu được hơn 120.000 tấn gạo CLC nhưng sang năm 2005 thì tụt xuống còn 68.000 tấn. Nguyên nhân là do chúng ta chưa quy hoạch vùng sản xuất…

Nên dù Việt Nam đang đứng vị trí thứ hai thế giới trong xuất khẩu gạo nhưng chủ yếu là gạo chất lượng trung bình và thấp, gạo CLC chỉ chiếm 1,3%.

Đáng nói hơn, giá gạo xuất khẩu cao hơn gạo thường khoảng 42 USD/tấn, lợi nhuận cao, chiếm lĩnh các thị trường cao cấp và ổn định.

Vì thế, gạo CLC luôn là mũi nhọn có tính chiến lược của các nước có tầm nhìn xa.

Ông  Nguyễn Văn Hòa - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Malaysia đã ngỏ ý muốn mua 500.000 tấn gạo CLC của VN mỗi năm.

Nếu ký đuợc hợp đồng này thì đầu ra cho gạo CLC của chúng ta sẽ rộng mở hơn rất nhiều.

Bà Sương đưa ra biện pháp: Trước hết, cần phải thống nhất áp dụng các giống lúa CLC trên các vùng quy hoạch. Mỗi vùng trồng lúa nên chọn 1 bộ giống với 2 - 3 giống có thể kháng sâu bệnh cao và cho gạo đảm bảo tiêu chuẩn.

Theo tính toán, để cung cấp đủ giống cho 200.000 ha lúa CLC theo Đề án trên, cần 10.000 ha sản xuất giống lúa cấp 2. Thế nhưng, trong Đề án, việc quy hoạch các vùng sản xuất lúa giống chưa được cụ thể. Ngay cả việc chọn giống lúa sản xuất cũng chưa rõ ràng.

Theo nhiều chuyên gia, các giống lúa thơm như Nàng thơm, Tám thơm, Bastima, Khaodakmali, Jasmine… mặc dù cho gạo CLC nhưng lại khó sản xuất, vì dễ nhiễm sâu bệnh, năng suất thấp hoặc không ổn định.

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Viện lúa ĐBSCL rà soát và có kế hoạch sản xuất, cung ứng giống nguyên chủng và siêu nguyên chủng cho Đề án trên, bao gồm: IR 64, VND 95-20, OMCS 2000, OM 2517, OM 2717 và OM 3536.

Đây là những giống lúa có khả năng kháng bệnh tốt, đặc biệt là rầy nâu và đạo ôn - hai bệnh hại lúa đang hoành hành ở khu vực này.

Tuy nhiên, đến nay, người dân vẫn chưa được chuyển giao kỹ thuật sản xuất các giống lúa này. Bộ cũng chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật xây dựng quy trình IPM, “3 giảm 3 tăng”, quy trình dùng thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa.

Giá thấp và sợ bất tín

Một vấn đề quan trọng nữa là mức giá thu mua gạo CLC. Cho đến nay, vẫn chưa có khung giá cụ thể đối với gạo sản xuất theo Đề án này.

Tổng Cty Lương thực miền Nam được giao nhiệm vụ thu mua toàn bộ gạo trong vùng quy hoạch của Đề án nhưng vẫn chưa đưa ra mức giá cụ thể nên người dân vẫn chưa thực sự muốn bắt tay tham gia Đề án.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: TCty Lương thực miền Nam đưa ra mức giá thu mua gạo CLC cao hơn gạo thường 50 đồng/kg so với giá thị trường. Nên người dân các tỉnh trong vùng quy hoạch chưa chấp nhận giá này, vì quá thấp.

Hơn nữa, từ việc thực hiện hợp đồng thu mua của các doanh nghiệp từ trước đến nay, người dân cũng khó có thể tin rằng TCty Lương thực miền Nam có thể thực hiện đúng hợp đồng với người trồng lúa.

Vụ đông xuân đầu tiên triển khai Đề án sản xuất 1 triệu tấn gạo CLC xuất khẩu đã gần kề. Nếu những vướng mắc trên vẫn không được giải quyết ngay thì Đề án này khó có thể thành công. 

MỚI - NÓNG