Lúa lai không thể trở thành nông sản chiến lược

Lúa lai không thể trở thành nông sản chiến lược
Lúa lai không xuất khẩu được, vì vậy không thể trở thành nông sản chiến lược trên thị trường thế giới... GS-TS Nguyễn Vy, Nguyên Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hóa cho biết khi bàn về việc mở rộng diện tích lúa lai.

GS-TS Nguyễn Vy đã gửi một bài viết cho Tiền Phong bàn về vẫn đề này:

Là bạn đọc của Tiền Phong, tuy tôi không trực tiếp làm lúa lai nhưng khi nghiên cứu độ phì nhiêu thực tế của đất, trong đó tôi từng làm nhiều thí nghiệm trên đất trồng các giống lúa lai này, nên xin mạo muội trình bày một số ý kiến cá nhân.

Trước hết, cần khoanh lại những vấn đề gần như đã thống nhất: Năng suất tính bằng tấn, tạ trên một đơn vị diện tích không còn tồn tại trong cơ chế thị trường, nên dù năng suất bình quân hơn lúa thuần 20%, lúa lai không thể có vị thế ưu việt độc tôn;

Phẩm chất lúa lai rất thấp, căn cứ vào số liệu phân tích sinh hóa hạt gạo cũng như khẩu vị chung của con người, vô luận những ai muốn hay không muốn phát triển lúa lai đều không thích ăn gạo từ các giống lúa này;

Lúa lai không xuất khẩu được, vì vậy không thể trở thành nông sản chiến lược trên thị trường thế giới, minh chứng sinh động là hàng triệu tấn gạo xuất khẩu từ đồng bằng sông Cửu Long không phải là lúa lai;

Thực tiễn đã chứng minh nhiều địa phương chưa làm lúa lai thì hồ hởi tiếp nhận, trong lúc nhiều nơi khác đã quá quen thì đang chững lại và có xu hướng quay về với lúa thuần và áp dụng những biện pháp chăm bón tối ưu trên cơ sở hiểu biết về độ phì nhiêu thực tế.

Vì vậy theo tôi cần trao đổi tiếp những vấn đề: Đến nay, đời sống nhân dân đã được cải thiện, nên lượng gạo tiêu thụ trên đầu người hàng tháng bình quân chỉ còn 50% so với những thập kỷ trước. Tình hình khí hậu thời tiết thay đổi bất thường, chủ yếu là hạn hán, nhiều nơi đã có chủ trương giảm diện tích lúa nước thay bằng cây trồng cạn thì vị trí chiến lược thuộc về các giống lúa thuần chất lượng cao hay lúa lai chất lượng thấp?

Phát triển lúa lai có thực sự nâng cao thu nhập của người trực tiếp sản xuất hay chủ yếu chỉ mang lại lợi nhuận cho những hoạt động thương mại trung gian? Tôi cũng cho rằng, diện tích lúa lai tăng nhanh trong thời gian qua không phải do nông dân tự nguyện mà ít nhiều có sự tác động mang tính áp đặt từ các cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, chính sách trợ giá cho giống lúa lai không còn phù hợp với quy luật.

Nên chăng cần trợ  giá cho những giống lúa thuần có nhiều triển vọng cả về giá trị xuất khẩu và giá trị dinh dưỡng? Các địa phương có còn hồ hởi phát triển lúa lai nếu không còn trợ giá là điều cần làm rõ. Nếu căn cứ vào lượng chất dinh dưỡng lúa lai lấy đi từ đất (cả trong năng suất kinh tế lẫn năng suất sinh học) thì liệu phát triển lúa lai có đảm bảo ổn định độ phì nhiêu lâu dài của đất, có đối lập với chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững?

Tôi cho rằng, xét về mặt tổng hòa các nhân tố cấu thành năng suất cao tính bằng giá trị thì giống chỉ là tiền đề. Vì vậy, chỉ nên xem lúa lai là một tiến bộ kỹ thuật bình thường như nhiều tiến bộ kỹ thuật đã có trong nông nghiệp. Từ ý tưởng đến chủ trương sản xuất cái gì là  quá trình đòi hỏi phải tranh thủ ý kiến của nhiều đồng nghiệp có trình độ chuyên môn và giàu kinh nghiệm.

Do đó, những con số cụ thể về kế hoạch diện tích phải là sản phẩm của trách nhiệm và trí tuệ chứ không thể bắt nguồn từ ngẫu hứng duy ý chí. Bài học đắt giá về mía đường bắt nguồn từ chỗ không chịu lắng nghe ý kiến tâm huyết của đồng nghiệp. Việc vận dụng các công nghệ mới, các tiến bộ kỹ thuật của nước ngoài là cần thiết, song vẫn nên bảo đảm tinh thần độc lập, tự chủ, không lệ thuộc nước ngoài,  đúng với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.   

Tôi cho rằng, các cấp lãnh đạo cần tôn trọng, chịu khó lắng nghe những ý kiến trái ngược nhau trong những cuộc trao đổi tiếp theo. Việc tiếp tục mở rộng diện tích lúa lai là do nông dân tự nguyện chứ không nên áp đặt. Nên phát triển lúa lai ở những vùng cho năng suất quá thấp, chưa tự túc được lương thực, giao thông vận tải còn gặp khó khăn nhưng phải phù hợp với độ phì nhiêu thực tế của đất; Xem lại chủ trương trợ  giá cho lúa lai.

Tuyệt đối không để những DN không có hiểu biết về giống mua bán giống nói chung và lúa lai nói riêng, tránh những thiệt thòi không đáng có cho người sản xuất khi mua phải giống rởm. Cần xem giống chỉ là 1 yếu tố cấu thành năng suất chứ không phải yếu tố quyết định năng suất. Từ phương pháp luận ấy, nên nhắc lại những tổng kết có  giá trị khoa học về các biện pháp thâm canh có hiệu quả kinh tế cao nhất với các giống lúa thuần phẩm chất cao mà có lúc có nơi do những nguyên nhân khác nhau đã bị lãng quên.

Nghiên cứu giống lúa lai cần tiếp tục theo phương châm “xã hội hóa”, cụ thể là người sản xuất đặt hàng, doanh nghiệp tiêu thụ ký hợp đồng với những nhà nghiên cứu khoa học và quản lý sản xuất, đầu tư vốn vào nghiên cứu. Kinh phí nghiên cứu lấy từ nguồn kinh phí khoa học phân bổ hàng năm cho địa phương và cho các cơ quan nghiên cứu, không nên hình thành một chương trình riêng.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.