Luật sư lên tiếng việc dùng chất cấm trong chăn nuôi

Luật sư Hà Đăng.
Luật sư Hà Đăng.
TP - Xung quanh ý kiến đề xuất cần hình sự hóa hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Luật sư Hà Đăng cho rằng hoàn toàn có thể áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành để điều chỉnh.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong xung quanh ý kiến đề xuất cần hình sự hóa hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để đảm bảo tính răn đe, luật sư Hà Đăng - Trưởng Văn phòng luật sư Hà Đăng và cộng sự cho biết: Trước hết, cần xác định cụ thể chất cấm là những chất nào?

Hoặc, sử dụng như nào thì bị cấm, sử dụng như thế nào, hàm lượng bao nhiêu, trong bao lâu thì gây tổn hại sức khoẻ, hoặc môi trường. Sau đó, cơ quan chức năng phải làm rõ hành vi phạm tội, hậu quả của hành vi đó với đời sống xã hội, hay sức khoẻ con người, động vật. Khi đã làm rõ được những yếu tố này, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành để điều chỉnh.

Bộ luật Hình sự hiện nay khá hoàn chỉnh, do vậy chắc chắn không thể lọt được sai phạm này. Thậm chí, còn có khá nhiều điều luật can thiệp. 

Tôi đơn cử như Điều 155 quy định về hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, với mức phạt đến 15 năm tù. Hoặc Điều 158 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi.

Nếu sử dụng với số lượng lớn và gây hậu quả nghiêm trọng, hành vi nói trên có thể bị phạt tiền, hoặc tù đến 5 năm. Hoặc, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được hậu quả từ việc sử dụng chất cấm, gây ra dịch bệnh cho con người, có thể bị khởi tố, truy tố và xét xử theo tội danh Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho con người. Với mức phạt ở điều khoản nhẹ nhất đến 5 năm tù.

Ngoài việc xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người, những hoạt động cố tình đưa chất cấm vào chăn nuôi đã xâm hại nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, gây ra những xáo trộn, thậm chí mất niềm tin đối với khách hàng khi sử dụng các loại thực phẩm. Vậy, pháp luật có điều chỉnh nội dung này không, thưa ông?

Như tôi đã nói ở trên, thực chất, đây là chuỗi những hành vi sai trái. Quan trọng là những cá nhân này bị xử lý ở góc độ nào, giai đoạn nào. 

Nếu đã thành phẩm, nghĩa là những mớ rau, con cá đã bị quá hàm lượng, dư chất trong cơ thể, khi ra thị trường, cơ quan chức năng có thể áp dụng nhiều chế định để xử lý. 

Tôi lấy ví dụ đơn giản nhất là tội danh Lừa dối khách hàng quy định tại Điều 162 Bộ luật Hình sự, hoặc các tội danh liên quan đến hành vi gian lận thương mại.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG