Lương doanh nghiệp: Nơi ngất ngưởng, chỗ khó sống

Lương doanh nghiệp: Nơi ngất ngưởng, chỗ khó sống
TP - Với cách tính lương của hệ thống khối doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) như hiện nay, cùng là DNNN nhưng có ngành lương cao ngất ngưởng, dù doanh nghiệp lỗ; có nơi thấp khiến lao động khó sống bằng lương...

> Lương thấp vẫn cưỡi xe hơi

Hiện lương trung bình của các ngân hàng thương mại của Nhà nước cao nhất nước. Ảnh: Hồng Vĩnh
Hiện lương trung bình của các ngân hàng thương mại của Nhà nước cao nhất nước. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Sung túc khối ngân hàng

Việt Nam hiện có 5 ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) là Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công thương Việt Nam (Vietinbank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) và Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB). Khảo sát của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, năm 2010, lao động thuộc lĩnh vực ngân hàng đang có thu nhập cao nhất, vượt qua cả Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN.

Cụ thể, số liệu từ báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2011 của Vietcombank, thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên ngân hàng này trong năm 2011 khoảng 22,4 triệu đồng/tháng- dẫn đầu ngành ngân hàng. Mức thu nhập 22,4 triệu đồng/tháng trên của nhân viên ngân hàng gắn liền với lợi nhuận trước thuế của Vietcombank năm 2011 đạt hơn 5.900 tỷ đồng. Còn theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý IV/2011 của Vietinbank, lương bình quân của cán bộ, nhân viên ngân hàng đạt 20,27 triệu đồng/tháng, thu nhập trung bình là 20,76 triệu đồng.

Được biết, tính đến hết quý IV năm 2011, tổng số cán bộ, nhân viên của Vietinbank là 18.094 người, tăng hơn 1.000 so với năm 2010. Tổng quỹ lương trong năm 2011 của ngân hàng này là trên 4.402 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2011 của Vietinbank là 8.105 tỷ đồng, cao nhất trong số các ngân hàng. Còn BIDV, trước khi IPO (bán cổ phần ra công chúng) năm 2010, có mức thu nhập bình quân 11,77 triệu. Còn sau cổ phần hoá, thu nhập cũng tăng lên đáng kể.

Ở khối các tập đoàn kinh tế nhà nước, đứng đầu về lương thưởng là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn xác nhận thu nhập bình quân của Cty mẹ PVN năm 2011 khá cao so với các ngành khác, ở mức 16,2 triệu đồng/người/tháng. Số tiền này bao gồm lương trả cho bộ máy điều hành và một số công ty trực thuộc tập đoàn. Còn thu nhập bình quân của toàn tập đoàn ở mức trên 10 triệu đồng/người/tháng.

Sau PVN, có thể kể đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Kết quả kiểm toán năm 2010 cho thấy, mức lương bình quân toàn Cty mẹ là 13,7 triệu đồng/người/tháng, thu nhập của cán bộ văn phòng tập đoàn gấp hơn 2 lần con số trên và thu nhập bình quân khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng/người/tháng. Tiếp đến là Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Năm 2011, tiền lương bình quân của toàn tập đoàn ở mức 7,8 triệu đồng/người/tháng. Còn tính tổng thu nhập thì cao hơn khoảng hai triệu đồng do được cộng thêm tiền ăn công nghiệp, giữa ca...

Cũng là doanh nghiệp nhà nước và có kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt xấp xỉ 2,4 tỷ USD, gấp 14 lần vốn chủ sở hữu, nhưng Tập đoàn Dệt May Việt Nam là đơn vị có mức lương bình quân rất thấp so các tập đoàn khác.

Theo ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc tập đoàn, thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên ngành dệt may năm 2011 chỉ ở mức 3,9 triệu đồng/người/tháng. Tổng thu nhập bình quân mỗi năm của người lao động trong ngành dệt may khoảng 52 triệu đồng.

Bất hợp lý

Theo quy định tại Thông tư 27/2010 (hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu), hàng năm căn cứ vào tính chất, đặc điểm sản xuất, kinh doanh, DNNN được lựa chọn phương án để xây dựng đơn giá tiền lương, trình Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính duyệt (nếu là ngân hàng thì trình cả Ngân hàng Nhà nước).

Về nguyên tắc, doanh nghiệp phải đạt lợi nhuận theo kế hoạch năm sau cao hơn năm trước liền kề thì mới được tăng lương (trừ các DNNN thuộc các lĩnh vực nhà nước kiểm soát và quyết định giá). Nên mới có chuyện doanh nghiệp bị lỗ vẫn không bị giảm lương, thậm chí còn tăng, như chuyện ở EVN năm 2010 và 2011 lỗ hàng ngàn tỷ đồng nhưng lương trả cho cán bộ, nhân viên vẫn cao ngất ngưởng, gây bức xúc trong dư luận.

Cũng do quy định trên, nên mới có chuyện nhiều ngân hàng phải giấu lãi, vì nếu công bố toàn bộ lợi nhuận, nhỡ năm sau không đạt lợi nhuận như năm trước thì không được tăng lương.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri cho biết, lương của ngành điện nói chung và của công ty mẹ tập đoàn nói riêng được thực hiện theo thỏa thuận với Bộ LĐTB&XH về đơn giá tiền lương.

Năm 2010, đơn giá tiền lương sản xuất kinh doanh điện của công ty mẹ là 5.434 đồng/1.000 kWh điện bán. Với cách phê duyệt đơn giá tiền lương chủ yếu căn cứ vào năng suất lao động như EVN, nên doanh nghiệp bán càng nhiều điện thì tổng tiền lương càng tăng, bất kể lỗ lãi.

Liên quan đến lương của các NHTM Nhà nước, một cán bộ Vụ Tài chính- Ngân hàng (Bộ Tài chính) – đơn vị thường xuyên tham gia và có ý kiến trong quá trình cổ phần hoá các ngân hàng thương mại, cho biết: “Hiện do Bộ LĐTB&XH vẫn chưa ban hành được Thông tư hướng dẫn cho các doanh nghiệp đã cổ phần hoá nên các NHTM đã cổ phần hoá cũng chỉ căn cứ vào theo Thông tư 27, để xây dựng cơ chế chi trả lương.

“Thông tư 27 nói rõ đối với viên chức quản lý thang bảng lương của Nhà nước nhưng trên thực tế bản thân các NHTM Nhà nước đều xin cơ chế đặc thù để được trả lương cao, lý do là nếu không có cơ chế lương đãi ngộ rất khó giữ được người tài”- Ông này nói.

“Trong năm 2012, Bộ LĐTB&XH sẽ tiến hành điều tra kỹ lưỡng và phân tích sâu hơn về chênh lệch trong trả lương của tất cả các khối doanh nghiệp. Nếu so với các doanh nghiệp thì mức tiền lương ở các tổng công ty, tập đoàn nhà nước cao hơn khá nhiều.

Việc lương ngành điện bị “soi” kỹ trong năm qua do EVN năm 2010 bị lỗ trong khi liên tục đòi tăng giá và chất lượng điện cũng chưa được như mong muốn của người dân”. Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH.

Còn nữa

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG