Lương ngành tài chính, ngân hàng tăng ít nhất năm 2012

Lương ngành tài chính, ngân hàng tăng ít nhất năm 2012
Lĩnh vực sản xuất và công nghệ thông tin có mức tăng lương cao nhất trong khi lĩnh vực tài chính, ngân hàng có mức tăng trưởng về lương thấp nhất trong diện được khảo sát.

Lương ngành tài chính, ngân hàng tăng ít nhất năm 2012

> Lương nhân viên ngân hàng sụt giảm
> Nhân viên ngân hàng: 'Sóng ngầm' mất việc, giảm lương

Lĩnh vực sản xuất và công nghệ thông tin có mức tăng lương cao nhất trong khi lĩnh vực tài chính, ngân hàng có mức tăng trưởng về lương thấp nhất trong diện được khảo sát.

Lương ngành sản xuất, công nghệ thông tin tăng mạnh nhất trong năm 2012 theo khảo sát của Tower Watson. Ảnh: Hoàng Hà
Lương ngành sản xuất, công nghệ thông tin tăng mạnh nhất trong năm 2012 theo khảo sát của Tower Watson. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo công bố của Towers Watson Việt Nam, đơn vị chuyên tư vấn nhân sự và quản trị rủi ro tài chính cho doanh nghiệp, mức tăng lương chung của các doanh nghiệp vào khoảng 13,8%. Trong khi đó, mức tăng của nhóm công ty thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng chỉ vào khoảng 12,2%, thấp nhất trong các ngành được khảo sát. Ngành sản xuất và công nghệ thông tin có mức tăng lương cao nhất, cụ thể như trong 2012, ngành sản xuất tăng 14,8%, ngành công nghệ thông tin tăng 14,7%.

Dự báo của Towers Watson về mức lương 2013 có một số sự chuyển dịch về ngôi thứ của ngành, cụ thể như ngành sản xuất có thể tăng lương cao nhất, khoảng 15,2%. Bán lẻ cũng sẽ có mức tăng lương cao hơn 2012 với khoảng 14%. Tài chính ngân hàng vẫn tiếp tục bị giảm mức tăng lương, còn khoảng 12,1%, giữ vị trí ngành có mức tăng ít nhất trong số các ngành mà Towers Watson khảo sát.

Nếu về vị trí công việc, mức tăng lương cao nhất thuộc về bộ phận điều hành, với mức tăng 13,8%, trong khi mức tăng thấp nhất lại thuộc về nhóm cán bộ quản lý cấp trung như trưởng phòng với khoảng 13,4%. Loại hình công việc có biến động lớn nhất là nhân viên kinh doanh và công việc này sẽ vẫn được ưu tiên tuyển dụng nhất trong tương lai.

Có mặt tại buổi "Hội nghị thường niên về nhân tài và chế độ đãi ngộ 2012" của Towers Watson tổ chức ngày 28-11, ông Sambhav Rakyan, trưởng bộ phận Global Data Services, khu vực Đông Nam Á cho biết mức tăng lương của Việt Nam cùng với Ấn Độ vẫn cao hơn các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Trung Quốc… Một phần là do lạm phát của 2 nước này luôn ở mức cao cách biệt so với các nước còn lại. Xu hướng này sẽ vẫn tiếp diễn vào năm sau.

So với mức lạm phát năm nay được dự báo vào khoảng 9,2% thì mức tăng lương đang cao hơn lạm phát. Năm 2011, lương tăng khoảng 14,4% nhưng lạm phát trên 18%. Dự báo trong 2013 lạm phát sẽ vào khoảng 6,6%, và mức tăng lương vào khoảng 12,3%, thấp hơn mức tăng của năm nay do lạm phát cũng có thể sẽ tăng thấp hơn.

Kinh tế khó khăn nên tỷ lệ nghỉ việc tự nguyện năm 2012 giảm xuống còn 12,3% từ mức 13,1%. Trong đó, ngành tài chính có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất ở mức 16%, trong khi ở ngành bán lẻ chỉ có 7% lao động tự nghỉ việc trong năm 2012.

Lý do rời khỏi chỗ làm hiện tại chủ yếu vì chỗ làm mới có thu nhập tốt hơn, khả năng phát triển nghề nghiệp cao hơn trong khi các yếu tố như chăm sóc sức khỏe, mối quan hệ với đồng nghiệp… không được đánh giá cao.

Khảo sát lương của Towers Watson chọn mẫu chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam với 235 doanh nghiệp, còn lại là 15 doanh nghiệp trong nước. Tổng số nhân sự được khảo sát là 63.000 người.

Mẫu chọn chủ yếu là các công ty có hoạt động từ 20 năm trở lên, số doanh nghiệp dưới 10 năm chiếm tỷ lệ không đáng kể. Đồng thời mẫu chọn cũng chủ yếu với trình độ đại học trở lên. Các ngành được khảo sát chủ yếu như dịch vụ tài chính, dược, tiêu dùng, công nghệ thông tin, sản xuất công nghiệp, dầu khí, hóa chất…

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG