Lương tối thiểu 2016 tăng 12,4%

Công nhân trong dây chuyền sản xuất giầy vải Thượng Đình, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Công nhân trong dây chuyền sản xuất giầy vải Thượng Đình, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Cuộc họp mang tính quyết định của Hội đồng Tiền lương Quốc gia sáng 3/9 đã chốt phương án lương tối thiểu vùng năm 2016. Tranh luận vẫn không ngớt cho đến phút cuối cùng. Dù các bên chưa thỏa mãn, nhưng kết quả Lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng bình quân 12,4% đã được thông qua...

Năng lực trước hay tăng lương trước?

Trước phiên họp hôm qua, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã có 2 phiên bàn về mức tăng lương tối thiểu vùng cho năm tới. Nhưng cả 2 cuộc họp trước đều kết thúc không mang lại kết quả, do các bên còn nhiều khoảng cách. Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN-đại diện người lao động) đề xuất tăng 16,8%, tức tăng 350.000-550.000 đồng/tháng. Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI, đại diện giới chủ sử dụng lao động) bảo vệ quan điểm chỉ tăng 10%.

Thậm chí, trong giờ giải lao phiên họp thứ 3, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch TLĐLĐVN còn khẳng định với báo chí, liên đoàn vẫn kiên định quan điểm mức tăng không được 16,8% cũng phải bằng mức tăng năm 2015 (tăng bình quân 14,3%). Theo ông Chính, tất cả các chỉ tiêu kinh tế năm nay, và dự báo năm tới đều tăng so với năm 2014, vì vậy không lý do gì lương tối thiểu năm sau lại tăng thấp hơn năm nay. “Phương án tăng lương của TLĐLĐVN đề nghị không quá cao, chỉ tăng hơn 50 nghìn đồng so với mức tăng năm 2015. So với nhiều người, mức tăng này không là gì, nhưng so với anh em công nhân là cả vấn đề lớn, như nắng hạn gặp mưa rào”, ông Chính nói.

Với 13/14 thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia đồng ý, lương tối thiểu vùng năm 2016 sẽ tăng thêm 400 nghìn đồng/tháng (tăng bình quân 12,4% so với năm 2015) với vùng 1 (đạt 3,5 triệu đồng/tháng); vùng 2 tăng 350.000 đồng (đạt 3,1 triệu đồng/tháng); vùng 3 tăng 300.000 đồng (đạt 2,7 triệu đồng/tháng); vùng 4 tăng 250.000 đồng (đạt 2,4 triệu đồng/tháng).

Trước lý luận tăng lương phải theo năng suất lao động, ông Chính phản bác, muốn tăng năng suất lao động phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho lao động trước. “Người lao động phải sống, phải khỏe mới nói tới năng suất được. Lao động lúc nào cũng phải lo cơm áo gạo tiền thì không thể có sáng tạo, nâng cao năng suất công việc”, ông Chính nói. Theo người đại diện cho lao động, doanh nghiệp (DN) đang lợi dụng nhân công giá rẻ để không hoặc ít đầu tư đổi mới khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, nên năng suất thấp.

Theo ông Chính, hiện Việt Nam không chỉ tụt hậu về năng suất lao động so với các nước trong khu vực, mà đang tụt hậu kể cả về thu nhập. Ông Chính dẫn báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố hồi tháng 12/2014, về tiền lương toàn cầu 2014-2015 cho biết, lương tháng trung bình của người lao động Việt Nam ở mức 3,8 triệu đồng, chỉ cao hơn Lào, Campuchia và bằng một nửa Thái Lan, 1/12 của Singapore… Vị này cũng thừa nhận, tăng lương có thể tăng thất nghiệp, nhưng thất nghiệp phải giải quyết theo cách khác, còn lương vẫn phải tăng.

Trong giờ nghỉ có đại diện TLĐLĐVN còn đặt khả năng, nếu phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 không bằng mức tăng năm 2015, vị này sẽ bỏ phiếu trắng hoặc không bỏ phiếu. “Đại diện DN đang căng lắm, họ không thể hiện thái độ thấu hiểu với người lao động. Tình hình với các chủ DN rất khó”, vị này nói trong giờ giải lao.

VCCI và lãnh đạo một số hiệp hội là thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng kiên định bảo lưu quan điểm tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 không quá 10%. Trước giờ giải lao, thành viên này đồng ý điều chỉnh mức tăng, nhưng cũng chỉ lên 10,7% so với năm 2015. Do cuộc họp đi vào bế tắc, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia - Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân (chủ trì cuộc họp) phải cho nghỉ giải lao. Đồng thời, ông Huân yêu cầu, trong giờ giải lao các bên thống nhất lại trong nội bộ trước khi họp lại.

Cuộc họp phải kéo dài tới gần 12h30 mới kết thúc, trong sự chờ đợi, nghe ngóng của báo chí phía ngoài hành lang. Mỗi khi có một người từ phòng bước ra, các phóng viên liền vây lại dò hỏi. Cuối cùng, phương án lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng bình quân 12,4% so với năm 2015 cũng đã được 13/14 thành viên hội đồng có mặt tại cuộc họp thông qua. Dự kiến, phương án lương tối thiểu mới sẽ được trình Chính phủ để xem xét, ký thông qua trong tháng 10 tới.

Lương tối thiểu 2016 tăng 12,4% ảnh 1

Công nhân khu công nghiệp Đông Anh (Hà Nội) đi chợ sau giờ tan ca. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Chưa thỏa mãn vẫn thông qua

Trao đổi với báo chí khi kết thúc cuộc họp, ông Hoàng Quang Phòng-Phó Chủ tịch VCCI cho biết, dù phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 đã được Hội đồng Tiền lương Quốc gia thông qua nhưng ông chưa thật sự thỏa mãn. Lý do, theo ông Phòng, hiện DN còn khó khăn, phải cạnh tranh để hội nhập, nên mức tăng lương bình quân 12,4% là quá sức chi trả của DN. Theo vị đại diện cho giới chủ sử dụng lao động, mức tăng lương đơn vị này đề xuất trước đây khoảng 10% đã quá sức rồi. Nhưng cơ chế của hội đồng tiền lương là đồng thuận, dù không thỏa mãn cũng phải chấp nhận.

Ông Phòng mong DN cố gắng, không còn cách nào khác phải tái cơ cấu sản xuất, đổi mới khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, VCCI tiếp tục ghi nhận và đánh giá tác động của tăng lương tới hoạt động DN, từ đó kiến nghị các cơ quan quản lý có giải pháp hỗ trợ. “Chúng tôi sẽ tập hợp các ý kiến của DN để trình cơ quan nhà nước xem xét, giảm tiền đóng bảo hiểm xã hội (tiền đóng bảo hiểm xã hội tăng từ năm 2016 - PV) và các chi phí khác, giúp DN vượt qua khó khăn. DN có tồn tại, phát triển được người lao động mới có việc làm, đạt nhu cầu sống tối thiểu”, ông Phòng nói.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, sau 3 cuộc họp, các bên đã “xích” lại gần nhau hơn. Sau đó, bộ phận kỹ thuật của hội đồng đã đưa ra 3 phương án để các bên lựa chọn 1 phương án đưa ra bỏ phiếu. “Rất may các bên đã thống nhất được nên tôi chưa cần sử dụng tới quyền chỉ định của Chủ tịch hội đồng. Đây là lần đầu tiên trong 3 năm qua hội đồng tiền lương có mức đồng thuận cao như vậy”, ông Huân nói.

Theo ông Huân, với mức tăng lương đã được thông qua kể trên, có thể đáp ứng được 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Tới năm 2018, lương tối thiểu có thể đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Ông Huân cũng chia sẻ những khó khăn với DN, khi năm 2016, vừa phải chăm lo cho người lao động, chi phí đóng bảo hiểm xã hội tăng, vừa phải đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. “DN cần tiếp tục tiết kiệm, đẩy mạnh năng suất lao động. Đồng thời dành nguồn chăm lo cho người lao động, vì họ chính là nguồn lực lớn để DN phát triển”, ông Huân nói.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội:

Mức tăng 12,4% chấp nhận được

Như tôi đã nói ngay từ ban đầu là con số tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 từ 10 – 12% là phù hợp, nhưng nếu dư địa còn thì nâng lên một chút để đảm bảo lợi ích cho người lao động thì rất tốt. Trong lợi ích của doanh nghiệp, người lao động và lợi ích của nhà nước thì phải đặc biệt quan tâm đến lợi ích của người lao động. Nếu nâng được mức tăng lương tối thiểu lên khoảng 12% hoặc hơn một chút cũng góp phần đẩy nhanh lộ trình tăng tiền lương tối thiểu vào năm 2018. Mức tăng đó cơ bản đáp ứng được cả lợi ích của chủ sử dụng lao động và người lao động, đảm bảo cho quá trình phát triển hài hoà.

Tôi ủng hộ phương án này và thấy mức tăng 12,4% là chấp nhận được. Hoan nghênh sự đồng thuận của cả hai bên và tôi cho rằng mức tăng 12,4% là con số hợp lý.     

Dũng Nguyễn (ghi)

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.