'Ma trận' sàn gỗ công nghiệp

'Ma trận' sàn gỗ công nghiệp
TP - Hiện nay, khách hàng có xu hướng sử dụng gỗ lát sàn để tăng thêm vẻ sang trọng, ấm cúng và khẳng định giá trị cho ngôi nhà đẹp của mình.Tuy nhiên, thị trường gỗ ván sàn với trăm điều bí ẩn luôn khiến cho người mua phải băn khoăn, lo lắng.

Nếu mua phải sàn gỗ chất lượng thấp, người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt thòi không nhỏ về kinh tế và công sức bỏ ra để giải quyết hậu quả là rất lớn.

Lẫn lộn vàng thau

Tại thị trường Hà Nội, gỗ ván sàn được bán nhiều tại phố vật liệu xây dựng Cát Linh, Trường Chinh... Có hai loại gỗ lát sàn đang làm mưa gió trên thị trường: Gỗ tự nhiên và gỗ công nghiệp.

Thị trường gỗ ván sàn công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều chủng loại, nhằm phục vụ cho những khách hàng không quá rủng rỉnh về tài chính để dấn thân vào dòng gỗ “tự nhiên”.

Ưu điểm lớn nhất của gỗ công nghiệp là giá khá rẻ, một mét vuông sàn gỗ công nghiệp bao gồm cả công vận chuyển, lắp đặt và phụ kiện trị giá khoảng 200 - 300.000 đồng. Gỗ công nghiệp được xử lý tốt về chống mối mọt, cong vênh, đảm bảo độ bóng và sự đồng đều về sản phẩm nên thuận lợi khi thi công với số lượng lớn.

Ngoài ra, gỗ công nghiệp còn có lợi thế độ bóng cao, nhiều màu sắc và vân đẹp để khách hàng chọn lựa.

Một vài ông chủ cửa hàng sàn gỗ ở trên phố Cát Linh đều có chung nhận định: Hiện nay, hàng gỗ công nghiệp đang bán khá chạy vì giá thành được coi là hợp lý cho đa số. Ngoài ra, gỗ ván sàn cũng tỏ ra rất thích hợp trong các công trình xây dựng, cải tạo văn phòng làm việc, xây chung cư cao cấp.

Sự nóng bỏng của “cầu” trên thị trường thôi thúc “cung” tăng vọt, nhiều Cty trong và ngoài nước đẩy mạnh nhập gỗ ván sàn công nghiệp. Một số Cty muốn đầu tư vào sản xuất gỗ ván sàn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Nhìn chung, các loại sàn gỗ công nghiệp đều được sản xuất bởi máy móc và công nghệ châu Âu, nhưng chất lượng và giá cả lại khác nhau. Mặt khác, một số Cty nhập sàn gỗ công nghiệp từ các nước trong khu vực thường quảng cáo mập mờ các thương hiệu nổi tiếng từ châu Âu trên sản phẩm của mình nhằm đánh lừa khách hàng.

Theo một chuyên gia trong ngành, sàn gỗ nhập từ châu Âu phải mua bằng euro, giá thành cao tương đương với giá gỗ tự nhiên (600.000 đồng/m2). Với giá thành như thế đương nhiên lãi lời sẽ ít đi nên nhiều Cty nhập hàng sản xuất từ nước thứ ba vào rồi chơi kiểu “tù mù” nhãn mác.

Có đơn vị còn nhập hàng đơn vị kém từ Trung Quốc hoặc Malaysia về bán lẫn hàng chất lượng tốt để thu lợi nhuận cao.

Phân biệt cách nào?

Khách hàng nhiều khi không có chuyên môn trong ngành xây dựng. Vì vậy, bài toán phân biệt hàng tốt, hàng xấu quả thực gây đau đầu đối với những ai mong muốn ngôi nhà của mình có được sàn gỗ hoàn hảo.

Hiện có khoảng 15 Cty nhập khẩu và phân phối khoảng 20 thương hiệu sàn gỗ công nghiệp khác nhau như Unifloors, Pergo, Classen, EPI, Kronotex, Kronoswiss, Kronospan, Gago, Picenza, Hornitex, Robina, Witex, Lamy, Bante, Kandle, Eurohome, Gesus, Universal...

Trong số này, hàng nhập khẩu trực tiếp từ CHLB Đức và Thụy Điển đang chiếm thị phần lớn nhất, được người tiêu dùng ưa thích nhờ chất lượng cao và màu sắc cũng như chủng loại khá phong phú.

Các kỹ sư xây dựng khuyến cáo rằng, khi mua, ngoài việc xem xét trực tiếp trên sản phẩm, khách hàng nên yêu cầu người bán xuất trình chứng từ chứng nhận xuất xứ (C/O) về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, các thông số về cường độ chịu mài mòn, độ dày sản phẩm, khả năng chịu va đập...

Các giấy tờ này mới khẳng định được phần nào chất lượng sản phẩm. Khách hàng cần phải kiểm tra thêm bằng nhãn quan của mình về mặt màu sắc, lõi và mộng kép của sàn gỗ.

Những sản phẩm tốt đều có thành phần các chất phụ gia có độ bền cao và không hại cho sức khỏe người dùng. Lõi gỗ phản ánh mức độ hiện đại của công nghệ. Nếu ép dưới áp suất đủ lớn, ván ép sẽ có độ cứng và độ bền cao, không bị ảnh hưởng bởi tác động của thời tiết như nhiệt độ, độ ẩm.

Các loại ván tốt thường được ép dưới áp lực từ 800kg/cm2 trở lên và có trọng lượng riêng từ 850kg/m3 trở lên. Khi cầm trên tay, khách hàng sẽ có cảm giác hơi nặng, chắc và thớ gỗ rất đanh.

MỚI - NÓNG