M&A và 'hạt sạn'

TP - Phiên đấu giá lịch sử ngày 18/12/2017 đã kết thúc khi một doanh nghiệp liên quan tới tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi trúng thầu mua trọn lô 343,66 triệu cổ phiếu (53,6%) của Bia Sài Gòn- Sabeco với mức giá 320.000 đồng/cp.

Ðây là thương vụ khổng lồ với trị giá lên tới khoảng 4,8 tỷ USD. Trên thực tế khối tiền khổng lồ này đã chảy về với “hầu bao” ngân sách Nhà nước.

Với việc chấp nhận mức giá được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá là ở “trên trời”, thông điệp của tỷ phú Thái rất rõ ràng: mua bằng mọi giá, ai tham gia vào cũng sẽ không có được tỷ lệ lớn, tỷ lệ chi phối và tốt nhất là nhường lại cuộc chơi cho họ. Nhưng dù thế nào, đây vẫn là một thương vụ thành công trong bán vốn, tương tự như hai đợt bán cổ phần Nhà nước tại doanh nghiệp Vinamilk trước đó.

10 năm qua, thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) của Việt Nam có gần 4.000 thương vụ, với tổng giá trị khoảng 48,8 tỷ USD. Riêng trong năm 2017, tổng giá trị M&A đạt 10,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,35 tỷ USD và dự báo cả năm sẽ đạt 6,5 tỷ USD.

Cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, dòng vốn nước ngoài gián tiếp gia nhập thị trường chứng khoán Việt Nam khá mạnh mẽ thông qua các quỹ đầu tư ETF và quỹ mở. Chỉ riêng một tháng đầu năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 8.000 tỷ đồng, tương đương 35% giá trị mua ròng cả năm 2017 (không tính giá trị thoái vốn Nhà nước tại Sabeco).

Tín hiệu mừng này cho thấy, việc bán vốn Doanh nghiệp Nhà nước đang thực sự hấp dẫn giới đầu tư cả trong và ngoài nước. Chẳng thế mà khi chia sẻ về cơ hội của thị trường này, một quan chức Bộ đã phải thốt lên: “Có thể nói, thị trường M&A Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới để tạo nên một “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới”.

Nhưng bên cạnh đó, đừng quên, M&A có phần vốn DNNN luôn phải đối mặt với vô số rủi ro.  Bài học điển hình M&A thương vụ Mobifone - AVG còn nóng hổi. Chỉ cần những “hạt sạn” từ định giá, hay tuân thủ pháp lý “sai một ly” là sẽ “đi vạn dặm” khiến “con voi chui lọt lỗ kim” và tài sản đồng vốn của Nhà nước bốc hơi hàng ngàn tỷ.

Ông Ðặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Bộ Tài chính từng nhận định: quản lý vốn nhà nước trong các doanh nghiệp lớn giống như “của để dành”, nên cần có sự kiểm soát chặt chẽ, và phải thật sự cẩn trọng. Thiết nghĩ, bất kể thời điểm nào, bán vốn DNNN hay thực hiện thương vụ M&A nào thì các tiêu chí đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định pháp luật; mua bán đúng giá thị trường và không thất thoát “đồng xu cắc bạc” luôn là những  nguyên tắc không thể bỏ qua.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.