Mách trên để mần chi?

Mách trên để mần chi?
TP - Lùm xùm giữa Cty Xăng dầu Hàng không (Vinapco) và Hãng Hàng không Jetstar Pacific (JP) đáng lý phải kết thúc sau khi Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia đưa ra phán quyết ngày 14/4.

Chuyện Vinapco ngừng cung cấp xăng dầu khiến hàng loạt máy bay của JP tê liệt (ngày 1/4/2008), suýt gây gián đoạn đường hàng không khi hàng nghìn hành khách đã mua vé; JP phải mách Bộ trưởng GTVT và Thủ tướng (gửi công văn khẩn). 

Tiếp đó, cả JP và Vinapco liên tục gửi văn bản qua lại cho nhau và tới các cơ quan chức năng để xem xét. JP nói thế này, Vinapco lại nói thế kia. Báo chí mỗi nơi nói một kiểu. Người quan tâm đến vụ lùm xùm này chóng cả mặt.

Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia mở phiên phân xử, Vinapco bị phạt hơn 3,3 tỷ đồng (do vi phạm luật cạnh tranh - ngừng bơm xăng cho máy bay của JP). Vinapco có 30 ngày để khiếu nại phán quyết của Hội đồng Cạnh tranh.

Ngày 18/5, Vinapco gửi văn bản tới Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải báo cáo JP và Indochina Airlines liên tiếp vi phạm các điều khoản thanh toán, để nợ tồn đọng kéo dài, uy hiếp hoạt động của đơn vị này.

Ngày 25/5, JP lại gửi văn bản số 578 tới Thủ tướng và các ban ngành liên quan phản pháo Vinapco.

Chuyện của hai doanh nghiệp JP và Vinapco, có người nói, có vẻ giống như trẻ con tranh chấp nhau rồi đi mách bố. Ai cũng biết, các doanh nghiệp trước khi làm ăn với nhau phải trải qua rất nhiều khâu để rồi cuối cùng ký kết hợp đồng mua bán. Trong hợp đồng mua bán đã có các điều khoản giải quyết tranh chấp nếu có phát sinh. Các quy phạm pháp luật cụ thể cũng đã có.

Thế mà những gì đang xảy ra cứ như thể hai doanh nghiệp này chưa từng kinh qua các thao tác cơ bản trên. Những lời tâm huyết biện minh của doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ sẽ phù hợp hơn nếu đương sự tôn trọng pháp luật trước tiên.

MỚI - NÓNG