Mạng di động: Không khuyến khích cạnh tranh giá cước

Mạng di động: Không khuyến khích cạnh tranh giá cước
Ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông khẳng định như vậy khi trao đổi về việc Bộ Bưu chính Viễn thông không đồng ý với đề án giảm cước điện thoại di động của VNPT
Mạng di động: Không khuyến khích cạnh tranh giá cước ảnh 1
Thị trường di động của VN còn nhiều tiềm năng

Thưa Thứ trưởng, vì sao Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) đã trình phương án giảm cước điện thoại di động từ lâu, nhưng Bộ không đồng ý?

 

Việc giảm cước điện thoại di động nói chung đã có lộ trình. Riêng đề án giảm cước của VNPT, không phải là Bộ không đồng ý. 

Tuy nhiên, Bộ yêu cầu VNPT báo cáo về một số vấn đề như đầu tư cơ sở hạ tầng như thế nào để đáp ứng yêu cầu của khách hàng về chất lượng dịch vụ (giảm cước, chắc chắn lượng thuê bao tăng lên). 

Hiện nay, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư cho mạng lưới đã chững lại. Tình trạng nghẽn mạng thời gian qua đã thường xuyên xảy ra và người thiệt thòi chính là khách hàng. Bộ không khuyến khích các doanh nghiệp cạnh tranh nhau bằng giá cước, mà phải bằng chất lượng dịch vụ, chế độ hậu mãi...

Nghĩa là VNPT đưa ra phương án giảm cước, nhưng không đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, thưa ông?

Đúng là tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng của VNPT thời gian qua là chậm. 6 tháng đầu năm 2005, đầu tư VNPT chỉ đạt 30 - 35% kế hoạch cả năm. Tốc độ chậm một phần là do thủ tục. Việc mở rộng công nghệ đòi hỏi phải đấu thầu, mà quy trình đấu thầu thì lâu.

Thưa ông, thực tế giá cước điện thoại ở Việt Nam vẫn cao so với thế giới và ngay cả khi giảm cước, các doanh nghiệp viễn thông vẫn có lãi. Vậy thì vì sao không cho phép giảm cước để người tiêu dùng được lợi?

Tôi khẳng định là cước điện thoại ở Việt Nam không cao so với khu vực, thậm chí cước cố định nội hạt ở Việt Nam còn thấp nhất khu vực. Nếu nói cao thì chỉ so với thu nhập bình quân ở Việt Nam.

Quan điểm của chúng tôi vẫn là xem xét để tiếp tục giảm cước xuống, nhưng không thể giảm quá mạnh. Giá cước mà dưới giá thành, thì về lâu dài doanh nghiệp không thể đảm bảo đầu tư, nhằm tăng chất lượng dịch vụ cho khách hàng. 

Theo ông, trong tương lai thị phần điện thoại di động của VNPT so với các doanh nghiệp khác, ở mức bao nhiêu là hợp lý?

Thị phần do thị trường điều tiết. Tiềm năng thị trường điện thoại di động ở Việt Nam còn rất lớn. Hiện đã có 6 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh điện thoại di động, đăng ký khoảng 4 triệu thuê bao (trong đó VNPT đăng ký 2,5 triệu, Viettel 1 triệu...). 

Theo tôi, các doanh nghiệp mới chiếm khoảng 25% - 30% thị phần trong một vài năm tới là đẹp (hiện các doanh nghiệp mới chỉ có khoảng 1,1 triệu so với 6 triệu thuê bao của VNPT, chưa đầy 20%).

Gần đây dư luận quan tâm đến "cuộc chiến" kết nối giữa Viettel và VNPT. Nửa tháng sau khi Bộ Bưu chính Viễn thông phải đứng ra làm trọng tài, tình hình đã được cải thiện đến đâu?

Sau khi Bộ Bưu chính Viễn thông làm việc với 2 doanh nghiệp, VNPT đã cấp ngay 29 luồng E1 cho Viettel, nhằm giúp Viettel khắc phục tình trạng nghẽn mạch.

Theo tôi, về phía lãnh đạo VNPT thì không có tư tưởng độc quyền để gây khó cho doanh nghiệp mới, nhưng xuống đến địa phương, ở lúc này lúc khác, chuyện gây khó dễ là có. 

Bên cạnh đó, tính hợp tác giữa các doanh nghiệp ở ta chưa tốt. Các doanh nghiệp phải vừa cạnh tranh, vừa hợp tác, khi nảy sinh mâu thuẫn thì phải ngồi lại với nhau. Hơn nữa, bản thân mạng của VNPT hiện nay còn chưa đáp ứng được yêu cầu khách hàng của mình. Hai doanh nghiệp khi đặt bút ký thoả thuận kết nối, đều chưa dự báo đúng về lượng thuê bao sẽ tăng. 

Nói chung, các doanh nghiệp viễn thông hiện nay đều làm yếu trong dự báo quy hoạch, nên khi lượng thuê bao tăng vọt đều không chuẩn bị kịp.

Tốc độ phát triển di động trung bình trên thế giới 5 năm qua là khoảng 30 - 35%, nhưng riêng Việt Nam tốc độ phát triển di động năm nay đạt 70% (năm ngoái cũng 65%). Tốc độ đó là đột biến, cho nên nhiều doanh nghiệp không lường được.

Có ý kiến cho rằng, bản chất của sự cố liên mạng Viettel và VNPT là do VNPT độc quyền đường trục. Để tạo sự công bằng trong cạnh tranh, nên chăng có một doanh nghiệp quản lý đường trục độc lập?

Cách hiểu như vậy là sai lầm. Không có khái niệm đường trục, chỉ có khái niệm được phép cung cấp đường dài và quốc tế. 

Bộ Bưu chính Viễn thông đã cấp phép cho 3 doanh nghiệp kinh doanh đường dài và quốc tế là VNPT, Viettel và VP Telecom. Cả 3 doanh nghiệp trên đều có đường viba Bắc Nam. Nếu chỉ cho phép một doanh nghiệp kinh doanh đường dài và quốc tế, vô hình trung, lại trở lại độc quyền.

Bản chất sự cố liên mạng Viettel và VNPT cũng không liên quan gì đến cái gọi là đường trục. Đó chỉ là sự mắc mớ trong kết nối tổng đài giữa hai doanh nghiệp với nhau mà thôi.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.