Minh bạch thông tin ngành điện: Nhiều chỉ số đã được công khai

Theo đại diện VCCI và WB, nhiều chỉ số liên quan đến hoạt động của ngành điện đã được công khai từ lâu
Theo đại diện VCCI và WB, nhiều chỉ số liên quan đến hoạt động của ngành điện đã được công khai từ lâu
Những năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nỗ lực để minh bạch hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó các yếu tố liên quan đến chi phí sản xuất điện, cách tính giá điện… đều đã được công khai đến các khách hàng. Nhiều chuyên gia trong nước cũng như tổ chức quốc tế đều đánh giá cao mức độ công khai mà ngành điện đã làm trong thời gian qua.

Nhiều thông tin đã rất công khai, minh bạch

Là chuyên gia nhiều năm tham gia Đoàn kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện hàng năm do Bộ Công Thương tổ chức, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có nhiều những quan điểm về sự minh bạch trong hoạt động điện lực.

Chia sẻ với phóng viên xoay quanh câu chuyện về giá điện thời gian qua, ông Nguyễn Minh Đức cho hay: Hiện tại quy định về cách tính giá điện đã có, thể hiện trong Quyết định của Thủ tướng liên quan đến cơ chế điều chỉnh giá điện. Bộ Công Thương cũng đã có thông tư quy định tương đối rõ về cách tính giá điện. Cho nên dư luận cũng có nhiều điểm khá hiểu lầm về giá điện, thậm chí không tìm hiểu các quy định ấy để đọc. Bởi nếu họ đọc thì sẽ thấy rằng rất nhiều thứ đã được giải quyết ngay. Ví dụ việc có tính đầu tư ngoài ngành đầu tư vào giá điện không thì trong công thức tính đã nói rất rõ là Không.

“Nói chung, công thức tính giá điện khá là rõ ràng so với những gì dư luận đang có ý kiến.Tuy nhiên cũng phải thừa nhận một điều rằng không phải ai đọc cũng hiểu công thức tính ấy. Đó là thứ tương đối khó hiểu với quảng đại quần chúng, phải có một chút kiến thức về mặt kế toán và hiểu về ngành điện một chút. Đó là về công thức tính giá”, đại diện VCCI nói.

Nói về hoạt động của đoàn kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh hàng năm, ông Nguyễn Minh Đức cho biết: Bộ Công Thương có tổ chức đoàn kiểm tra chi phí giá thành. Đoàn kiểm tra gồm đại diện Bộ Tài chính, LĐ, TB&XH, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, VCCI, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Tôi thấy thành phần tham gia như vậy là tương đối ổn, nên có thêm đại diện của các bên mua điện lớn như Hiệp hội xi măng, thép.

Đại diện VCCI cho hay, bản thân ông có tham gia vào đoàn kiểm tra. Việc kiểm tra được đánh giá là khá nghiêm túc. Đoàn kiểm tra yêu cầu báo cáo các số liệu, rồi kiểm tra số liệu đó có khớp không. Các số liệu đó dựa trên báo cáo của Công ty kiểm toán Deloite – một trong 4 hãng kiểm toán hàng đầu thế giới. Đoàn kiểm tra chỉ xác định có khoản nào không phù hợp được tính vào giá điện hay không; hay các mục có chuẩn không. Những năm vừa qua, Công ty kiểm toán Deloite cũng đã vào làm, họ có báo cáo kiểm toán và chịu trách nhiệm trên báo cáo ấy, rằng những con số đó là chính xác và Deloite đảm bảo rằng họ làm đúng nghiệp vụ kiểm toán trong quá trình đó.

“Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra trong 2-3 tuần, ở Hà Nội rồi đi một vài địa phương”, ông Đức cho biết, “Mỗi đợt kiểm tra ấy tập tài liệu đoàn kiểm tra nhận được phải dầy chừng 10 cm, tương đối nhiều thông tin con số chi tiết. Thậm chí chi tiết đến mức từng khoản vay một sẽ có bảng thống kê chi phí lãi vay là bao nhiêu; chi phí mua điện của từng nhà máy… Ngay cả những bản kê chi tiết của từng công ty cũng được cung cấp như chi phí nhân công là bao nhiêu, tiền ăn ca là bao nhiêu”.

Sau khi đoàn đi kiểm tra, Cục Điều tiết điện lực tổ chức họp báo công bố các loại chi phí đó. Mọi phóng viên tham gia đều nắm được. Tuy nhiên đại diện VCCI góp ý tại buổi họp báo đó, Bộ Công Thương có thể đưa ra nhiều con số hơn như Báo cáo kiểm toán của Deloite, báo cáo của các tổng công ty, những con số liên quan đến giá thành mua điện các nơi là bao nhiêu, thậm chí chi phí nhân công…

Minh bạch thông tin ngành điện: Nhiều chỉ số đã được công khai ảnh 1
 

Ngân hàng Thế giới chấp nhận báo cáo kiểm toán của EVN

Đánh giá về mức độ minh bạch của EVN - một doanh nghiệp nhà nước, ông Franz Gerner, trưởng nhóm chuyên gia năng lượng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam chia sẻ: EVN đã cung cấp cho ngân hàng và các cổ đông khác báo cáo tài chính hàng năm được lập theo Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế, được kiểm toán bởi công ty kiểm toán quốc tế thuộc Big4 trước ngày 30 tháng 6 hàng năm.

“Chất lượng báo cáo này được Ngân hàng Thế giới chấp nhận”, ông Franz Gerner khẳng định, “EVN cũng được các tổ chức xếp hạng tín dụng đánh giá về khả năng phát hành trái phiếu doanh nghiệp và những kết quả này đều đã được công bố. Chúng tôi cũng biết rằng Bộ Tài chính yêu cầu EVN công bố báo cáo tài chính được lập theo chuẩn mực Kế toán Việt Nam hàng năm. Các ngân hàng đang hợp tác với Bộ Tài chính để các doanh nghiệp nhà nước lớn - chẳng hạn như EVN - sử dụng Báo cáo tài chính quốc tế nhằm cải thiện thêm tính minh bạch của các thông tin tài chính”.

Về mức độ công khai minh bạch của ngành điện, ông Nguyễn Minh Đức kết luận: Tôi thấy rằng, có rất rất nhiều điểm ngành điện đã công khai minh bạch, đặc biệt công thức tính đã rất công khai mà nhiều người vẫn không đọc công thức tính, thậm chí đọc không hiểu xong vẫn nói công thức tính là có vấn đề. Đây là điều tôi cho rằng cần giải thích rõ. Nhưng tôi thừa nhận vẫn còn không gian để minh bạch hơn rất nhiều.Cho nên tôi kiến nghị nên công khai thêm từ khâu tính chi phí giá điện đến việc quyết định giá điện này nữa. Bởi các phương án giá hiện tại vẫn là Mật. Danh mục của ngành Công thương vẫn coi phương án giá điện là mật. Đợt rồi công bố dự thảo sửa đổi danh mục ngành Công Thương cũng vẫn giữ nguyên điều này.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.