Mở cửa bầu trời, Hàng không đuối sức

Mở cửa bầu trời, Hàng không đuối sức
Lãnh đạo Tổng công ty Hàng không VN (VNA) thừa nhận hãng này chưa thể bay đến Mỹ trong năm 2006. Sự chậm trễ này cho thấy, hàng không VN chưa đủ mạnh khi mở cửa bầu trời.
Mở cửa bầu trời, Hàng không đuối sức ảnh 1
Kiểm soát an ninh tại sân bay.

Ngay sau khi Hiệp định hàng không Việt Mỹ có hiệu lực, hai hãng hàng không Mỹ đã có mặt ở thị trường VN (United Airlines mở đường bay thẳng đến TP HCM, còn American Airlines bay liên danh với VNA). Phía Mỹ cũng đã chỉ định Continental Airlines là hãng hàng không thứ ba được khai thác thị trường VN. Còn VNA là hãng hàng không được VN chỉ định khai thác thị trường Mỹ lại không thể kịp thời nhập cuộc.

Thị trường rộng, năng lực hẹp

Mỗi năm, VNA thu được khoảng 10 triệu USD tiền bán vé tại Mỹ trong quan hệ hợp tác với các hãng hàng không quốc tế. Sau khi ký Hiệp định hàng không, VNA bắt tay ngay vào việc chọn lọc đường bay đến Mỹ để có thể khai trương vào cuối năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa chọn được điểm dừng. Thêm vào đó, một khó khăn mới xuất hiện đi đôi với sự phục hồi của hàng không thế giới sau sự kiện 11/9 là thiếu máy bay. Hai nguyên nhân này khiến kế hoạch bay thẳng đến Mỹ chưa thể bắt đầu.

Theo Cục Hàng không VN, trong số 3 điểm dừng là Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản thì Nhật là điểm dừng thích hợp nhất nhưng chưa đàm phán được. Hai điểm còn lại được phép khai thác nhưng không tỏ ra hiệu quả. Năm nay, VNA gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở thêm đường bay quốc tế. Lãnh đạo VNA cho biết đang phải xem xét lại một loạt kế hoạch bay đến các điểm ở Trung Quốc, phía Đông nước Nga... và nối đường bay đến Anh.

Hãng hàng không cổ phần Pacific Airlines (PA) dù mới được “lột xác” cũng không khá hơn. Năm ngoái, khi có thương quyền bay đến Frankfurt (Đức) và Nagoya (Nhật Bản), Cục Hàng không VN dành cho PA tần suất bay gấp đôi so với VNA (PA được chia 3 đơn vị, mỗi đơn vị tương đương 1 chuyến bay A320 có 185 ghế). Thế nhưng PA đã phải nhượng lại thương quyền cho VNA vì không đủ năng lực bay.

Lỡ nhịp hàng không giá rẻ

Sự cố trên của PA cũng khiến cho hàng không VN bị lỡ nhịp khai thác dịch vụ hàng không giá rẻ. Trước đây khi còn sở hữu 80% cổ phần PA, VNA dự tính xây dựng PA thành hãng hàng không giá rẻ vào năm 2007.

VN đã ký kết 58 hiệp định và thỏa thuận về hàng không

Đến nay, VN đã ký 58 hiệp định và thỏa thuận vận chuyển hàng không với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mạng đường bay quốc tế của hàng không VN đã được mở rộng với 39 đường bay từ Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM đến 26 điểm thuộc 17 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại thời điểm này, hơn 30 hãng hàng không quốc tế đã thiết lập các đường bay đến VN. Các chuyên gia dự báo trong vòng 10 năm nữa, sẽ có khoảng 30 hãng hàng không nước ngoài “đổ bộ” vào VN, thay vì chỉ có 2 hãng như hiện nay.

Khi PA chuyển đổi cơ cấu sở hữu, VNA dự định lấy Công ty bay dịch vụ VASCO “thế” vào nhưng kế hoạch khai thác thị trường giá rẻ đã bị chậm lại một bước.

Tổng giám đốc VNA Nguyễn Xuân Hiển dự tính sớm nhất cũng phải 3 năm nữa, tức là sang năm 2008, VNA mới có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ này. Còn PA đang nỗ lực thành một hãng hàng không có chi phí hợp lý nhưng khi còn phải thuê và nhập đủ thứ (thuê máy bay, phi công, nhập xăng dầu), thì xem ra mục tiêu bay giá rẻ vẫn ngoài tầm tay.

Trong khi đó, Việt Nam đang trở thành điểm đến của hầu hết các hãng hàng không giá rẻ mới xuất hiện. Cho dù còn ít nhiều “điều tiếng” về cách làm ăn của hàng không giá rẻ như quảng cáo nước đôi, đi lại lộn xộn song không thể phủ nhận một thực tế là dịch vụ này đang trong thời kỳ hốt bạc.

Khi mới vào Việt Nam hồi tháng 4/2005, Tiger Airways (Singapore) chỉ bay 7 chuyến/tuần nhưng theo ông Tạ Việt Tiến, Trưởng đại diện của hãng tại VN, tần suất hiện nay đã tăng lên 13 chuyến/tuần và sẽ tiếp tục tăng theo sự gia tăng của khách du lịch từ hai điểm Việt Nam - Singapore.

Hãng hàng không giá rẻ thứ hai có mặt ở VN là Thai Air Asia (Thái Lan) cũng có tần suất khá cao - 7 chuyến/tuần trên đường bay Hà Nội - Bangkok. Mặc dù vẫn “nói cứng” là hàng không giá rẻ không ảnh hưởng gì đến thị phần của mình nhưng hàng loạt động thái giảm giá vé du lịch, đa dạng hóa giá vé nội địa của VNA trong thời gian gần đây cũng đủ để thấy rằng hàng không giá rẻ đang ít nhiều gây áp lực cho đối thủ.

Bao giờ mới có đẳng cấp quốc tế?

“Nếu không có chiến lược kịp thời thì 10 năm nữa hàng không VN vẫn chỉ hơn được Myanmar, Lào, Campuchia và Đông Timor trong khu vực Đông Nam Á”, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Tiến Sâm tỏ ra không mấy lạc quan. Mở cửa bầu trời, tiến tới tự do hóa hàng không, các hãng hàng không quốc tế sẽ được phép bay từ một điểm bất kỳ đến lãnh thổ VN sau khi 2 nước đã ký hiệp định vận tải hàng không.

Theo ông Sâm, sau 10 năm nữa, các yếu tố hạ tầng như hệ thống sân bay, cảng hàng không sẽ đủ khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển nhưng năng lực của hãng hàng không nội địa thì chưa chắc, đặc biệt là đội máy bay.

Tổng số máy bay của cả 3 hãng hàng không VN đến nay có 47 chiếc, trong đó tỷ lệ sở hữu mới đạt 42%. Bắc Mỹ, châu Phi, Ấn Độ là thị trường rất lớn nhưng VN chưa bay được vì các hãng hàng không chưa đủ khả năng. Theo ông Sâm, trong vòng 2 đến 3 năm nữa, việc thành lập thêm các hãng hàng không là điều rất cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng không VN.

MỚI - NÓNG