Mở cửa cho ngân hàng nước ngoài đến đâu?

Mở cửa cho ngân hàng nước ngoài đến đâu?
Từ 1/4/2007, ngân hàng có vốn đầu tư 100% nước ngoài được phép tồn tại và đối xử bình đẳng như các ngân hàng nội địa, Yêu cầu về vốn pháp định tối thiểu cho cả ngân hàng nội và ngoại là 5 ngàn tỉ đồng (300 triệu USD).
Mở cửa cho ngân hàng nước ngoài đến đâu? ảnh 1

Quy mô vốn của các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam vẫn còn quá nhỏ.

Theo cam kết đàm phán song phương Việt - Mỹ về gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngày 1/4/2007 là mốc đánh dấu việc mở cửa hoàn toàn thị trường ngân hàng Việt Nam.

Kể từ thời điểm đó, loại hình ngân hàng con 100% vốn nước ngoài được phép tồn tại và được đối xử bình đẳng như các ngân hàng nội địa.

Điều đó có nghĩa, yêu cầu vốn pháp định tối thiểu 5.000 tỷ đồng, nếu được thông qua, cũng sẽ áp dụng chung cho cả nhà đầu tư ngoại lẫn nội.

Hơn 300 triệu USD là rào cản khó vượt vượt qua với các nhà đầu tư nội và dự báo cũng sẽ là "gáo nước lạnh" làm giảm nhiệt huyết tham gia thị trường của các tổ chức tài chính quốc tế.

Nếu phải khởi đầu ở một thị trường mới với yêu cầu vốn pháp định lớn như vậy, nhiều ngân hàng nước ngoài tỏ ý chọn cách đầu tư gián tiếp hơn là tự thành lập mới theo mô hình 100% vốn FDI.

Tuy nhiên, ngay cả cách tham gia thị trường thông qua mua cổ phần ngân hàng nội địa cũng không phải dễ dàng.

Trong Dự thảo Nghị định tổ chức tín dụng nước ngoài mua cổ phần trong ngân hàng thương mại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước một lần nữa thể hiện quan điểm thận trọng mở cửa thị trường khi kiên quyết giữ tổng mức sở hữu cổ phần (room) dành cho các nhà đầu tư nước ngoài là 30%, thay vì 49% như nhiều người kỳ vọng. Room dành cho mỗi đối tác vẫn là 10%.

Riêng nhà đầu tư chiến lược được phép mua tới 20%, tuy nhiên họ cũng chỉ được phép trở thành nhà đầu tư chiến lược của duy nhất một ngân hàng.

Tại Việt Nam, quá trình cải cách ngân hàng trong thời gian vừa qua đã được thúc đẩy bởi sự tham gia tích cực của những ngân hàng nước ngoài nổi tiếng thế giới trong các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam như ANZ (Sacombank), Standard Chartered Bank (ACB), HSBC (Techcombank)...

Sự có mặt của những ngân hàng lớn của nước ngoài đã góp phần thay đổi diện mạo của các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam, từ đó củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, thể hiện qua giá cổ phiếu của những ngân hàng thương mại cổ phần tăng với tốc độ chóng mặt trong suốt thời gian qua.

Hơn nữa, muốn được mua cổ phần, ngân hàng nước ngoài phải có tổng tài sản ít nhất là 20 tỷ USD.

Do quy mô vốn của các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam quá nhỏ, cho nên tỷ lệ tham gia góp vốn 10% của nhà đầu tư nước ngoài cũng chưa thể đem lại kỳ vọng lớn.

Thực tế đã chỉ ra tỷ lệ này chưa đủ kích thích các ngân hàng nước ngoài thực sự đóng vai trò nhà đầu tư chiến lược mà có thể mới chỉ đóng vai trò nhà đầu tư kinh doanh kiếm lời từ việc mua cổ phiếu.

Từ đó, các ngân hàng nước ngoài chỉ quan tâm tới các ngân hàng thương mại lớn, làm ăn có lãi mà bỏ qua những ngân hàng thương mại nhỏ nhưng có tiềm năng phát triển.

Sự ổn định thái quá sẽ hạn chế cạnh tranh, yếu tố cần thiết để thúc đẩy quá trình cải cách ngân hàng đi nhanh hơn nữa. Chẳng những thế, việc khống chế tỷ lệ tham gia của ngân hàng nước ngoài vào ngân hàng thương mại nội địa sẽ hạn chế việc thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài cần thiết để cổ phần hóa thành công những ngân hàng thương mại trong nước.

Ngành ngân hàng là một ngành kinh tế quan trọng và nhạy cảm của đất nước. Mục tiêu theo đuổi của Việt Nam tất nhiên là không để cho các ngân hàng nước ngoài chi phối ngành kinh tế này, nhưng sự thận trọng thái quá có thể làm giảm những thuận lợi mà các nhà đầu tư chiến lược này có thể mang lại.

Theo Thời báo Kinh tế

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.