Mở cửa thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp nội lo mất hết thị phần

Mở cửa thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp nội lo mất hết thị phần
TP - Ngày 13/11, tại cuộc giao lưu “Thị trường bán lẻ Việt Nam - Cơ hội và thách thức”, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp (DN) bày tỏ lo ngại, sự đổ bộ rầm rộ của các “ông lớn” bán lẻ thế giới khi thị trường bán lẻ Việt Nam mở cửa hoàn toàn vào năm 2015 sẽ khiến thị phần của DN nội càng teo tóp.

> Nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam
>Bán lẻ cao cấp chuyển chiến lược

Lo cạnh tranh khốc liệt

Bộ Công Thương cho biết, theo lộ trình, năm 2015, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn. Tuy nhiên, hiện hầu hết các thương hiệu của các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới đã có mặt tại Việt Nam. Việc các nhà bán lẻ thế giới vào Việt Nam sẽ tạo ra cơ hội để người tiêu dùng Việt Nam được thụ hưởng những dịch vụ hiện đại, văn minh của thế giới.

Nhưng, có thực tế, trong khi các tập đoàn phân phối bán lẻ nước ngoài đang từng bước chinh phục và phát triển mạnh mẽ trên thị trường Việt Nam, thị phần của các DN bán lẻ trong nước ngày càng bị thu hẹp.

Ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cảnh báo, các nhà phân phối, tập đoàn có mặt ở Việt Nam tương đối mạnh. Đây là những tên tuổi đã có thâm niên chinh phục thị trường quốc tế hàng chục năm, thậm chí có tập đoàn gần trăm năm. Tiềm lực tài chính hùng hậu, nguồn lực con người rất tốt là mối đe dọa tiềm tàng với bất cứ cứ DN trong nước nào. “DN Việt Nam muốn vươn lên trước hết cần học hỏi kinh nghiệm của các nhà bán lẻ thế giới về quản lý, chuyên môn, văn hóa ứng xử bán hàng”, ông Năm nói.

Theo ông Năm, tính đến cuối năm 2012, thị trường Việt Nam có khoảng 700 siêu thị. Hiện thị phần của các DN nước ngoài còn thấp so với các DN Việt. Nhưng không vì thế mà có thể chủ quan trước những lợi thế cạnh tranh của họ. “DN trong lĩnh vực bán lẻ cần cố gắng hơn để đẩy hệ thống bán lẻ của Việt Nam có thể cạnh tranh và đồng hành cùng các tập đoàn nước ngoài”, ông Năm kỳ vọng.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, hiện thị phần của các nhà bán lẻ trong nước vẫn đang áp đảo và chiếm đa số với nhiều cơ hội phát triển. Vì thế, không nên quá bi quan với các nhận định thị trường bị mất vào tay DN bán lẻ nước ngoài.

Điều bà Loan lo ngại, chính là việc dù nói DN nội và ngoại được ưu đãi như nhau nhưng thực tế DN ngoại vẫn đang được ưu ái hơn DN nội. Đơn cử như về mặt bằng, các DN nội phải chờ đợi rất lâu để xin nhưng không được giải quyết. Trong khi đó, chỉ cần một thời gian không lâu sau đó, những vị trí kinh doanh “vàng” được DN trong nước nhắm đến lại nhanh chóng “rơi” vào các tay DN ngoại.

DN nội nhấp nhổm

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái, ông Phạm Quốc Mạnh, thừa nhận, Phú Thái là DN hàng đầu phân phối nhưng chưa phải hàng đầu về bán lẻ. Việc mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết của WTO là không thể “cưỡng” lại. Bảo hộ DN trong nước là quá khứ, việc mở cửa chỉ còn thời gian ngắn. “Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để DN nâng tầm quản lý, học hỏi công nghệ, kinh nghiệm”, ông Mạnh nói.

 “Nếu không có liên kết, không có chiến lược, bước đi phù hợp, cơ chế hỗ trợ từ nhà nước, DN nội khó cạnh tranh được với DN ngoại”.  

Ông Trần Nguyên Năm
Bộ Công Thương

Theo ông Mạnh, những năm qua, chúng ta đã từng bước mở cửa thị trường bán lẻ, thực chất đã mở cửa nhưng chưa hoàn toàn. Tới đây, mở cửa hoàn toàn DN trong nước sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với DN lớn của nước ngoài có nhiều kinh nghiệm. Thực tế, về vốn, chưa có DN Việt Nam nào vốn trên 100 triệu USD. Ngoài ra, doanh số của siêu thị nước ngoài lớn hơn từ 20-30 lần so với DN Việt. Nếu không có liên kết, không có chiến lược, bước đi phù hợp, cơ chế thuận lợi sẽ rất khó khăn.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam (đơn vị quản lý chuỗi siêu thị Fivimart) cho biết, về mặt địa lý, Fivimart có nhiều lợi thế. Với diện tích 1.000- 3.000m2 tại trung tâm Hà Nội là một lợi thế lớn. Tuy nhiên, bà Hậu thừa nhận, trong 5 năm tới, Fivimart sẽ không thể phát triển ra các tỉnh thành cách Hà Nội 100km mà chỉ phát triển ra các tỉnh thành cách Hà Nội 50km do tiềm lực kinh tế chưa đủ.

Ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng giám đốc Vinatex lưu ý, hai vấn đề lớn đối với DN nội để có thể cạnh tranh với DN ngoại là đầu tư và con người. Các DN nước ngoài mạnh hơn về tài chính và kinh nghiệm nên DN nội phải tự tìm đường đi cho mình.

Theo ông Dũng, tập quán của người tiêu dùng cũng là vấn đề cần quan tâm. Nên tập trung vào những mặt hàng có chất lượng, bên cạnh yếu tố giá cả. Từ sản xuất ra đến phân phối phải có chất lượng đảm bảo, mới có thể cạnh tranh được. Đơn cử như hệ thống của Big C, Metro, chúng tôi thấy họ kiểm soát hàng hóa rất chặt chẽ về giá cả, chất lượng, nguồn hàng. Vì thế, các nhà phân phối của Việt Nam cần chuyên nghiệp trong vấn đề này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG