Mở cửa thị trường bán lẻ: Người tiêu dùng được lợi gì?

Mở cửa thị trường bán lẻ: Người tiêu dùng được lợi gì?
TP - Trong khi giới kinh doanh nội địa siêu thị và bán lẻ trong lẫn ngoài nước lo “chiêu”  giữ  “miếng bánh” thị phần rất dễ mất đi vào năm 2007- thời điểm Việt Nam bắt buộc phải mở cửa thị trường.
Mở cửa thị trường bán lẻ: Người tiêu dùng được lợi gì? ảnh 1

Mua sắm tại siêu thị đã trở thành thói quen của nhiều người.  Ảnh: Phạm Yên

Điều khiến người dân Vịệt Nam quan tâm nhất vẫn là những quyền lợi mà họ sẽ có được từ cuộc chiến cạnh tranh này.

Không phải đợi đến khi Cty AT Kearney đánh giá Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn thứ ba thế giới đối với các tập đoàn bán lẻ, rất đông những nhà đầu tư, tập đoàn bán lẻ lớn đã và đang đặt những bước chân kinh doanh đầu tiên rất vững chắc vào thị trường Việt Nam.

Sự có mặt của hai “đại gia” Bic C và Metro thời gian qua là một phần câu trả lời. Vẫn những hàng hoá đó, nhưng 90.000 khách hàng được cấp thẻ hội viên Metro luôn có quyền mua được hàng với giá “mềm” hơn thị trường bên ngoài hay so với các siêu thị nội địa khác giá từ 10-15%, còn hàng hoá thì phong phú tới gần 15.000 chủng loại với chất lượng đảm bảo. 

Tại Hà Nội, nếu yếu tố khuyến mại dự thưởng chỉ được các siêu thị nội địa (Intimex, Citimart, Điện máy số 5 Nam Bộ) trông chờ vào các nhà sản xuất cung cấp (nhân những dịp lễ, Tết, giao mùa ) thì ở các siêu thị ngoại “chiêu” này có thể được tung ra bất cứ lúc nào.

Hay khi Việt Nam xảy ra  cúm gà H5N1 cuối năm ngoái và dịch lở mồm, long móng mới gần đây, hệ thống các siêu thị ngoại Metro, Big C, Marko luôn tỏ ra nhanh chân hơn siêu thị nội khi nhập hàng thực phẩm ngoại có nguồn gốc an toàn đáp ứng nhu cầu muốn ăn “đồ sạch” của người dân.

Thêm một yếu tố hưởng lợi nữa cho người tiêu dùng, đó  chính là việc các tập đoàn bán lẻ khi nhảy vào Việt Nam  sẽ đẩy mạnh việc phân phối qua mạng bằng các trang web với hai thứ tiếng (Việt, Anh). Theo đó, họ sẽ không ngại “tiêu” thời gian và cử nhân viên tư vấn đến tận nhà chăm sóc khách hàng.

Vì sao họ lại tự tin người Việt sẽ sẵn sàng chi dùng đến vậy? Một điều tra không chính thức vừa mới đây về mức chi tiêu của các tầng lớp cư dân cho thấy: Không phải những “quý bà, quý ông” lắm tiền đứng đầu danh sách “dám chi tiêu” mà phần thắng lại thuộc về thế hệ tiêu dùng 7X và 8X.

Tầng lớp người tiêu dùng trẻ (từ 18 - 35 tuổi) có xu hướng thích mua sắm tại các cửa hàng chuyên và siêu thị, họ thích đi tham quan nhiều cửa hàng không ngại xa hay gần trước khi quyết định mua.

Các đại gia bán lẻ lớn đang quyết tâm “nhảy” vào chinh phục thị trường Việt Nam với điểm ngắm là những vị trí đẹp sẵn có ở trung tâm các thành phố lớn.

Cạnh tranh sẽ khốc liệt

Theo khảo sát của Bộ Thương mại, các siêu thị hiện đại mới xuất hiện ở 30/64 tỉnh thành chủ yếu là các thành phố lớn nhưng quy mô chưa lớn, trình độ quản lý, công nghệ, thiết bị kỹ thuật và phương thức kinh doanh chưa theo được chuẩn mực quốc tế.

Mở cửa thị trường bán lẻ: Người tiêu dùng được lợi gì? ảnh 2
đi tìm mua những sản phẩm chất lượng cao   ảnh: Phạm Yên

Hàng bán lẻ qua siêu thị mới chiếm 10% so với 40% qua hệ thống chợ và  khoảng 44% qua các cửa hàng truyền thống. Cơ sở hậu cần bán lẻ như cảng, kho, vận chuyển, CNTT… ít và thiếu đồng bộ.

Trong khi đó thì các tập đoàn phân phối hàng đầu thế giới như Walmart (Mỹ) và Carrefour (Pháp) đã lập kế hoạch mở rộng các thị trường trọng điểm ở Việt Nam trong thời gian tới.

Dự án đầu tư Trung tâm thương mại lớn của tập đoàn Lotte của Hàn Quốc (vốn 15 triệu USD) hay dự án Tesco (tập đoàn bán lẻ đứng thứ sáu thế giới có doanh số 40 tỷ USD Mỹ/năm của Anh) hay tập đoàn Dairy Farm (Singapore) hiện cũng đang xin được cấp phép hoạt động.

Tập đoàn Parkson (Malaysia) đã chính thức tham gia thị trường bằng việc khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên tại TP HCM trong hệ thống 10 trung tâm mà tập đoàn này dự định đầu tư tại Việt Nam.

Đó là chưa kể Big C, Metro Cash & Carry hoặc Parkson đều cam kết sẽ tiếp tục mở thêm nhiều trung tâm và siêu thị ở các thành phố lớn của Việt Nam....

Bà Phạm Chi Lan - Thành viên Ban nghiên cứu Thủ tướng vừa cảnh báo: Thách thức đối với hệ thống phân phối truyền thống thời gian tới sẽ là không khí cạnh tranh quyết liệt do hệ thống phân phối hiện đại phát triển bởi cả các nhà phân phối hùng mạnh trên thế giới lẫn các DN Việt Nam đang lớn dần lên.

Bên cạnh còn có cả những yếu tố như: thay đổi hoặc biến động của thị trường, tình hình cung – cầu, giá cả, phương thức kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ.

Một điểm yếu kém mà giới bán lẻ Việt Nam không thể phủ nhận, đó là hệ thống thương mại bán lẻ của Việt Nam còn mang nặng tính đại lý (thực chất là làm thuê, lấy công làm lãi, khó giàu, khó có lợi nhuận để tái đầu tư và trình độ kinh doanh chỉ đạt phân nửa.. chuyên nghiệp).

Phân tích của Vụ Chính sách thị trường trong nước Bộ Thương mại gần đây nhận định: “Điều  khó tránh khỏi là hệ thống phân phối truyền thống sẽ bị thu hẹp thị phần, giảm tỷ trọng trong thương mại nội địa”.

Mở rộng các mối liên kết và củng cố mạng lưới chuỗi phân phối, là 2 xu hướng mà các nhà bán lẻ nội địa đang hướng đến. Trước sức ép cạnh tranh của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài như Metro, Big C, Parkson...con đường duy nhất để tồn tại của các nhà phân phối nhỏ Việt Nam là liên kết mới tăng sức mạnh cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài”.

Bên cạnh các trung tâm bán lẻ hiện đại, được biết hiện các DN Việt Nam còn đóng nhắm đến tập trung cả vào các siêu thị bình dân giành cho công nhân, người lao động thu nhập thấp vì những cơ sở này hiện vẫn rất thành công. 

Phải vượt nhiều rủi ro hơn

Ông Phạm Đình Đoàn – Giám đốc Cty Phú Thái cho biết:

Các DN phân phối trong nước đang chạy vượt rào, rào cản thì nhiều, còn tiềm lực thì hạn chế.

Không những Cty Phú Thái mà rất nhiều DN phân phối khác cũng đang đối mặt ít nhất 2 khó khăn mà tự thân họ không thể tháo gỡ: thể chế hành chính của VN còn nặng nề.

Chính sách vĩ mô khẳng định phải phát triển thị trường bán lẻ, nhưng thực tế vẫn trì trệ, các đơn vị hành chính thực hiện kiểu đối phó; chi phí tiếp cận đất đai của DN rất lớn, dù vậy họ vẫn không được tiếp cận những vị trí thuận lợi như mong muốn.

Với chính sách cho DN phân phối đấu thầu thuê đất thì chỉ là thách đố họ và tất nhiên DN sẽ khó phát triển. Vì nếu đấu thầu thuê 50 ha đất thì mỗi tháng DN phải trả 500 triệu đồng lãi suất, vậy kinh doanh thế nào để có lãi suất bù vào.

Chúng tôi đề nghị phát triển thị trường trong nước nên hài hoà 3 yếu tố: lợi ích người tiêu dùng; bảo hộ phần nào sản xuất trong nước; hệ thống phân phối bán lẻ.

Khi VN vào WTO, các tập đoàn phân phối sẽ kéo theo hàng nghìn nhà cung cấp hàng hoá, mức giá đàm phán mua hàng hoá vào sẽ rất thấp, vậy nên DN phân phối của VN sẽ khó tiếp cận các chuỗi bán hàng lớn này, rủi ro sẽ nhiều hơn. Nói chung chúng tôi phải tự vượt qua thôi.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.