Mô hình nào cho cơ quan quản lý cạnh tranh?

Mô hình nào cho cơ quan quản lý cạnh tranh?
Sau hơn 12 năm thi hành, Luật Cạnh tranh đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Vẫn còn nhiều hành vi phản cạnh tranh, vẫn còn tình trạng cơ quan Nhà nước vi phạm các quy định của Luật Cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của cơ quan giải quyết cạnh tranh chưa được như kỳ vọng… Thực trạng này được nhìn nhận như thế nào? Đâu là mô hình phù hợp cho cơ quan quản lý cạnh tranh? Chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” hôm nay sẽ có cuộc trao đổi với Ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam để giúp quý vị và các bạn hiểu rõ hơn xung quanh vấn đề này.

Xin chào Ông Trần Hữu Huỳnh!

PV: Thưa Ông, mặc dù đã có Luật Cạnh tranh điều chỉnh, nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều hành vi phản cạnh tranh, vẫn còn thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, vẫn còn tập trung kinh tế, vẫn còn tranh không lành mạnh... Thực trạng này đặt ra cho chúng ta vấn đề gì, thưa Ông?

Cơ quan giải quyết cạnh tranh đã thụ lý và giải quyết nhiều vụ việc, tuy nhiên, dù có tám chục vụ nhưng đó là những tranh chấp thường xuyên xảy ra như: Gièm pha đối thủ, lôi kéo nhân viên, xâm phạm sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, cạnh tranh không lành mạnh… Những vấn đề này vấn đề đời thường của doanh nghiệp, bây giờ cũng thế, sau này vẫn thế, không một bộ máy hành chính Nhà nước nào có thể đủ để giải quyết. 

Vấn đề đặt ra là, những vấn đề đó ai sẽ giải quyết? Sẽ có những tổ chức khác họ sẽ giải quyết vấn đề này, ví dụ như Tòa án. Vậy, vấn đề lớn nhất còn lại như chống lại hiện tượng thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, chống lại độc quyền, chống lại hiện tượng lạm dụng thống lĩnh thị trường, hay vấn đề tập trung kinh tế mà gây nguy hại đến thị trường thì Luật Cạnh tranh giải quyết thế nào? Luật Cạnh tranh có điều chỉnh những vấn đề ra ngoài biên giới không? Đối với doanh nghiệp nước ngoài có thể cấu kết với nhau ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam để gây hại đến thị trường cạnh tranh Việt Nam chúng ta xử lý thế nào? Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, vấn đề cốt lõi là ai, cơ quan nào sẽ thay mặt Nhà nước để làm chuyện này? Quyền lực Nhà nước để kiểm soát cạnh tranh là ở đâu? Tôi cho rằng, đó chính là vấn đề cơ quan quản lý cạnh tranh.

 PV: Rõ ràng, như Ông vừa trao đổi, vấn đề nằm ở cơ quan quản lý cạnh tranh. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mô hình cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh như hiện tại chưa phù hợp, chưa hiệu quả. 

Trong điều kiện càng cạnh tranh thì xung đột lợi ích càng lớn và sự xung đột lợicàng lớn thì vai trò của cơ quan quản lý cạnh tranh càng phải độc lập. Nó độc lập làm gì? Độc lập để bảo vệ cạnh tranh. Độc lập với cái gì? Độc lập với tất cả các bên. Và độc lập thì nó phải ở một vị trí nhất định. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế, cơ quan quản lý cạnh tranh cũng phải ở một vị thế lớn hơn.  
Trong cuộc cải cách hiện nay có 2 mô hình về cơ quan giải quyết cạnh tranh: Thứ nhất, thành lập một Ủy ban, các Bộ chúng ta sẽ làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước, không làm đại diện vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp nữa. Mô hình này có thể đặt ở Bộ và lúc bấy giờ, Bộ là cơ quan làm chính sách, làm quản lý, không làm kinh doanh. Tôi cho rằng, mô hình này có vẻ phù hợp, bởi nó giải quyết được xung đột lợi ích do chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Thứ hai, nhiều người hiện nay muốn xây dựng mô hình là một cơ quan trực thuộc Chính phủ, trong đó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm trong suốt nhiệm kỳ, không bổ nhiệm lại; các thành viên khác cũng do  Chính phủ bổ nhiệm, và quan trọng là họ có trách nhiệm giải trình để đảm bảo tính đồng nhất của nó. 

Mô hình nào cho cơ quan quản lý cạnh tranh? ảnh 1
PV: Để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, Luật Cạnh tranh đã có quy định cấm về những hành vi cơ quan Nhà nước không được làm, thế nhưng, trên thực tế, đã có trường hợp cơ quan Nhà nước vi phạm những quy định cấm này. Ông nghĩ sao về vấn đề này và có đề xuất gì trong Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) hiện nay?

Một số cơ quan Nhà nước, một số cán bộ công chức ở vị trí nhất định, họ can thiệp vào thị trường nhiều. Đôi khi có mong muốn tốt đẹp, ví dụ như tiêu thụ một sản phẩm nào đó ở địa phương để tăng nguồn thu cho địa phương, hoặc sử dụng dịch vụ, sản phẩm của một doanh nghiệp nào đó ở địa phương. Tuy nhiên, đôi khi cũng là một dấu hỏi lớn.

Trong Dự thảo Luật Cạnh tranh lần này, có đề cập đến việc cấm một số hành vi, cấm cơ quan quản lý Nhà nước, cán bộ công chức vi phạm luật cạnh tranh, nhưng điều rất đáng tiếc là chưa có chế tài. Mặc dù là hành vi bị cấm nhưng phần về chế tài chưa rõ. Chính vì vậy, chúng tôi đề xuất trong thiết kế sau này của Luật Cạnh tranh, đã là hành vi bị cấm phải có chế tài. Hoặc là Luật Cạnh tranh, hoặc là những vấn đề xử lý vi phạm trong Luật Cạnh tranh hoặc những vấn đề về hình sự nếu quy định về các điều cấm phải có chế tài.

Xin cảm ơn Ông!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam. 

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/ 
Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG