Luật chứng khoán sửa đổi:

Mở rộng quyền cho Uỷ ban chứng khoán trong thanh tra

TPO - Điểm nhấn đặc biệt dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi) đó là bổ sung hành vi bị cấm, thay đổi quy định về tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài; mở rộng quyền cho UBCKNN trong thanh tra chứng khoán; Siết chặt bán khống, thao túng giá nếu vi phạm thu lời từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự...

Sáng nay, 7/11, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi gặp mặt các công ty chứng khoán, nhà đầu tư công ty quản lý quỹ để lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi.

Đối tượng tham gia bao gồm Bộ Tài chính, thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và TPHCM (HOSE), Trung tâm Lưu ký Việt Nam, một số Bộ, ngành, công ty đã chào bán chứng khoán ra công chúng, công ty niêm yết, công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán, ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát, công ty kiểm toán, báo chí, tổ chức, cá nhân có liên quan…

Mở rộng quyền cho Uỷ ban chứng khoán trong thanh tra ảnh 1

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Khánh Huyền

Trước đó, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã công bố toàn văn toàn văn dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) và dự thảo Tờ trình Chính phủ của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, Bộ Tài chính cho biết Bộ đang lấy ý kiến các bộ ngành địa phương và ý kiến rộng rãi của dư luận. "Luật chứng khoán sửa đổi để Bộ Tài chính, UBCK và cơ quan soạn thảo có tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật đáp ứng yêu cầu mục đích để thị trường", ông Hải nói. 

Theo bà Vũ Chân Phương, Phó Chủ tịch UBCK Nhà nước, người trực tiếp tham gia vào quá trình dự thảo Luật sửa đổi này cho biết, do Luật chứng khoán đã xây dựng từ 2006 và áp dụng 2007, đến nay đã có nhiều điểm cần sửa đổi để bám sát thị trường theo quan điểm kinh tế thị trường cùng đáp ứng sự phát triển của thị trường vốn.

"Luật lần này sửa đổi để cập nhật những luật như Doanh nghiệp, Đầu tư cần sửa đổi để đồng bộ/ TTCK tiếp cận với thông lệ quốc tế, việc sửa đổi rất quan trọng. Sửa Luật cũng gồm 3 mục tiêu: hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý; nâng cao hiệu quả góp phần đảm bảo kinh tế vĩ mô; đảm bảo niềm tin nhà đầu tư khi xây dựng TTCK", bà Phương cho biết.

Theo bà Phương, bố cục dự án luật lần này: các chương đi theo từng vấn đề logic trên TTCK; có 10 chương và 137 điều (cũ 11 chương và 136 điều ghép 2 chương thanh tra và vi phạm TTCK vào 1 chương).  Luật còn điều chỉnh những trường hợp chào bán ra công chúng. Quy định về điều kiện có lãi, 1 năm liền kề có lãi không thể hiện được tình hình tài chính  DN có thể dùng thủ thuật không ổn định hoạt động nên sẽ quy định 2 năm liền kề có lãi. Nhiều DN tăng vốn rất nhanh, nhưng chưa đảm bảo sự hiệu quả tại các dự án, so sánh trên thế giới ví dụ ở Trung Quốc, nếu cổ phiếu bán ra được dưới 70% thì coi là không thành công, tổ chức chào bán phải trả lại và trả lại suất .

"Cho nên lần này chúng tôi dự kiến sửa đổi việc chào bán không có tổ chức bảo lãnh phát hành thì DN chỉ được phát hành tối đa 1:1 (có thể hơn nhưng phải có cam kết) ; khoảng cách lần chào bán thêm phải tối thiểu 1 năm sau lần chào bán trước; theo quy định phải sau 6 tháng kiểm toán thêm để thấy việc sử dụng vốn có hiệu quả, đợt chào bán được coi là thành công nếu bán được tối thiểu 70% và 30% còn lại DN phải có phương án bù đắp (vay ngân hàng hoặc từ vốn tự có)', bà Phương cho biết. 

Ngoài các điều kiện trên, Phó chủ tịch UBCKNN cũng nhấn mạnh: dự thảo luật còn quy định về tính minh bạch của tổ chức phát hành, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến xử phạt hành chính và hình sự hoặc sử dụng vốn không đúng mục đích. 

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) có nhiều điểm mới so với Luật Chứng khoán trước đây, bao gồm:

Mở rộng nhiều định nghĩa

Luật Chứng khoán (sửa đổi) mở rộng định nghĩa nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bao gồm công ty có vốn điều lệ đạt trên 1.000 tỷ đồng và có thời gian niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán tối thiểu 2 năm; cá nhân có chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán, cá nhân có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán tối thiểu 2 năm và có giá trị giao dịch chứng khoán bình quân hàng tháng tối thiểu 2 tỷ đồng Việt Nam hoặc nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết có giá trị tối thiểu 5 tỷ đồng Việt Nam trong 12 tháng.

Dự thảo thay thế định nghĩa người biết tin nội bộ bằng người nội bộ. Cá nhân liên quan mở rộng thêm đối tượng con dâu, con rể, anh rể, em rể, chị dâu và em dâu.

Điểm mới về chào bán cổ phiếu ra công chúng và riêng lẻ

Dự thảo nâng điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty đại chúng là có vốn điều lệ 30 tỷ trở lên thay vì 10 tỷ trước đây, có tối thiểu 20% vốn điều lệ đã góp do ít nhất 100 nhà đầu tư (NĐT) không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết nắm giữ. Dự thảo bổ sung điều kiện cổ đông lớn phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

Đối với doanh nghiệp phát hành thêm cổ phần, dự thảo luật bổ sung điều kiện thời điểm chào bán phải cách tối thiểu 1 năm sau lần chào bán gần nhất, đợt chào bán được coi là thành công khi bán được tối thiểu 70% số cổ phiếu dự kiến chào bán.

Việc chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Mua cổ phiếu quỹ giảm vốn điều lệ

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) quy định công ty mua lại cổ phiếu của chính mình phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ trong vòng 10 ngày từ khi hoàn tất. Doanh nghiệp mua lại cổ phiếu quỹ phải có quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua. Doanh nghiệp đang có nợ quá hạn căn cứ báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán, đang trong quá trình chào bán cổ phiếu để huy động thêm vốn không được mua cổ phiếu quỹ.

Bổ sung hành vi bị cấm, thay đổi quy định về tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài

Về hành vi bị cấm, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) thêm nội dung về sử dụng tài khoản, tài sản của khách hàng khi không được khách hàng ủy thác hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng; tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái quy định.

Theo dự thảo, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng là không hạn chế, ngoại trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật chuyên ngành có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Xóa giấy phép “2 trong 1”

Dự thảo tách bạch giữa thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và cấp giấy phép hoạt động kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; khắc phục sự phân tán và thiếu thống nhất trong giải thể thủ tục thành lập doanh nghiệp; bảo đảm tổ chức kinh doanh chứng khoán có điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, tuân thủ pháp luật.

Dự thảo nêu rõ công ty chứng khoán phải có vốn thực góp tối thiểu cho từng nghiệp vụ kinh doanh như môi giới và tự doanh vốn 50 tỷ trở lên, bảo lãnh phát hành chứng khoán vốn 300 tỷ trở lên, tư vấn đầu tư chứng khoán 10 tỷ.

Mở rộng quyền cho UBCKNN trong thanh tra chứng khoán

Dự thảo mới quy định thanh tra chứng khoán chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Chủ tịch UBCKNN và hướng dẫn về nghiệp vụ của thanh tra Bộ Tài chính (Luật cũ là chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ của thanh tra Bộ Tài chính). Chủ tịch UBCKNN, Chánh Thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân, mức phạt tiền tối đa cho trường hợp tái phạm gấp 2 lần lần đầu.

Ngoài ra, dự thảo cũng có quy định chi tiết về công bố thông tin, quỹ bảo vệ nhà đầu tư, sửa đổi mô hình tổ chức Sở giao dịch chứng khoán, đổi tên trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.