Mở room - Nên hay chưa?

Mở room - Nên hay chưa?
TP - Một trong những nguyên nhân làm cổ phiếu đang lên cơn sốt là nhiều nhà đầu tư trong nước đang hy vọng cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng tỷ lệ sở hữu (room) cho nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong thời gian tới.
Mở room - Nên hay chưa? ảnh 1

Ngoài chứng khoán, Vina Capital còn tìm cơ hội trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng Ảnh: Hà Bình

Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin của Tiền phong thì các cơ quan chưa có ý định này vì khá nhiều lý do...

Nỗi lo... hậu quả!

Điều mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và các cơ quan liên quan e ngại nhất là TTCK thật sự cần mở room hay đó chỉ là nhu cầu của một số nhà ĐTNN thích “lướt sóng”?

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN từng tuyên bố: “Mở room cũng cần có lộ trình, chuẩn bị lỹ lưỡng vì hoàn cảnh, thực lực của TTCK Việt Nam hoàn toàn khác với các TTCK lâu đời”.

Chủ tịch HĐQT một Cty chứng khoán (CTCK) lớn cũng thừa nhận: “Mở room vào lúc này đồng nghĩa với việc kích cho TTCK nóng quá mức cần thiết và nhà đầu tư nhỏ, lẻ sẽ là những người chịu hậu quả nặng nhất”.

Với kinh nghiệm đầu tư chứng khoán 20 năm tại Mỹ, Anh, ông Vũ Ngọc Lâm (sàn SSI- Việt kiều Anh) cũng đồng tình với ý kiến trên vì: “Nhiều nhà đầu tư chỉ nghĩ đơn giản mở room thì sẽ hút vốn nước ngoài giá chứng khoán lên và họ có lời. Nhưng với tỷ lệ room hiện tại mà họ còn bị dẫn dắt, liệu tăng room ào ạt họ có chống chọi nổi không?”.

Nhà phân tích chứng khoán Phùng Khắc Cung nhận định: “Tăng room là xu thế cần thiết nhưng vào lúc nào, tăng bao nhiêu với lộ trình như thế nào thì cần thận trọng vì trình độ quản lý, kiểm soát luồng vốn ra vào của UBCKNN chưa theo kịp thị trường”.

Tổng giám đốc một quỹ đầu lớn cũng cho rằng cơ quan quản lý chưa tăng room vào thời điểm này vì TTCK Việt Nam còn quá non trẻ, chưa đủ sức “kháng cự” với những “thủ thuật” của các nhà ĐTNN “khôn ngoan”.

Ông này đưa dẫn chứng cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 để cảnh báo “ cởi mở quá chưa hẳn là điều tốt”.

Theo TS Kinh tế Nguyễn Quang Hưng thì mở room vào thời điểm này đồng nghĩa với việc sẽ có hàng tỷ USD đổ vào Việt Nam và nếu nền kinh tế không “hấp thụ” kịp nguồn vốn cực lớn trên thì lạm phát sẽ càng tăng cao.

Đây cũng là bài toán khó giải nếu room được mở thêm khi tốc độ tăng giá chưa dừng lại. Ông Hưng lo ngại: “Với năng lực hiện tại, số tiền khổng lồ trên sẽ là thách thức lớn đối với cơ quan quản lý và điều hành nền kinh tế”.

Một quan chức của UBCKNN cho rằng “Nếu so với các nước Đông Nam Á, thì room của Việt Nam dành cho nhà ĐTNN khá thoáng và chúng ta chỉ thua Singapore mà thôi”.

Ông này còn khẳng định là mới chỉ có 12/115 loại chứng khoán trên sàn TPHCM đầy room đã chứng tỏ nhu cầu của nhà ĐTNN chưa quá cấp thiết đến độ không mở room họ sẽ giao dịch cầm chừng.

Trong một lần trao đổi với báo giới, Ông Domicnic Scriven, Tổng giám đốc Dargon Capital cho biết: “Các loại chứng khoán trên sàn không phải là mục tiêu duy nhất của các quỹ đầu tư lớn nên dù có mở room hay không chúng tôi vẫn đầu tư vào TTCK Việt Nam”.

Vừa qua hàng loạt quỹ đầu tư, tổ chức tài chính lớn  như Vina Capital, Indochina Capital, Dragon Capital, Prudential, Manulife, Bankinvest... đổ vốn vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư vào bất động sản, cơ sở hạ tầng đã cho thấy TTCK Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nước nhà nói chung còn rất nhiều cơ hội cho nhà ĐTNN chứ không chỉ chứng khoán niêm yết mới hấp dẫn họ.

Cần thiết nhưng chưa cấp thiết

Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp hàng tiêu dùng lớn (xin giấu tên) đặt câu hỏi: “Nền kinh tế Việt Nam sẽ ra sao nếu các doanh nghiệp lớn dần dần bị thôn tính thông qua con đường mở room này”.

Vị Chủ tịch này thừa nhận với những doanh nghiệp hàng đầu như FPT, VNM, REE, STB, GMD, SSI, ACB.... lượng vốn hoá chỉ trên dưới 1 tỷ USD thì nguy cơ bị nhà ĐTNN mua lại  hay nắm cổ phần khống chế rất lớn.

Mở room - Nên hay chưa? ảnh 2
nhà đầu tư trong nước đang hy vọng mở room
Room dành cho nhà ĐTNN là 49% (riêng ngành ngân hàng là 30%). Hiện trên sàn TPHCM mới chỉ có 12 loại chứng khoán đầy room hoặc còn chưa đến 1% là VF1,TDH,TRI, REE, ABT, GMD, TMS,IFS, CII, BT6, BMP, AGF.

Một số cổ phiếu blue - chips còn khá nhiều như FPT  còn hơn 27 triệu cổ phiếu, ITA gần 4 triệu, KDC hơn 5 triệu, SAM hơn 3,5 triệu, VNM hơn 8 triệu, VSH hơn 33 triệu, PPC gần 120 triệu...

Có không ít cổ phiếu mà nhà ĐTNN chỉ nắm giữ chưa đầy 1% như VTB,NSC,LGC,HMC, HBD,DXP,COM... các loại cổ phiếu này phần lớn có giá dưới 60.000 đồng/cổ phiếu nhưng cũng đều tăng giá trong tuần qua.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận mua một Cty trên TTCK dễ và đơn giản hơn nhiều so với việc thành lập, xây dựng thương hiệu mất hàng chục năm.

Ngoài ra lý do an ninh kinh tế còn được đặt lên hàng đầu để trả lời cho câu hỏi vì sao chưa mở room vội.

Chuyên gia kinh tế Trần Ngọc Long đề xuất:

“Việc mở room là cần thiết nhưng chưa phải cấp thiết, có thể mở room nhưng nên tăng từ từ từng 3-5% một vừa để thăm dò vừa xem khả năng “chịu đựng” của TTCK và nền kinh tế Việt Nam”.

Thực tế thị trường cũng cho thấy vừa qua NHNN kiên quyết không nâng tỷ lệ cho vay cầm cố chứng khoán quá 3% nhưng TTCK vẫn hồi phục và nhà đầu tư vẫn tìm ra nguồn tiền để đổ vào đây.

Hơn 100 loại chứng khoán trên sàn TPHCM đang còn room và hàng ngàn loại cổ phiếu OTC đang là nguồn cung cực lớn chờ nhà ĐTNN, nhiều tổ chức, quỹ đầu tư trong số họ cũng đã đẩy mạnh đầu tư vào đây...

Phải chăng những chứng khoán hết room đang có tính thanh khoản cao, dễ mua đi bán lại nên yêu cầu mở room lớn ?

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc TTCK vừa qua tăng trưởng nóng nhưng không xảy ra “đổ vỡ” là chính sách không “mở cửa quá rộng” của các cơ quan điều hành vĩ mô, đây cũng là điều đáng tham khảo trước những đòi hỏi mở room càng nhanh càng tốt.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.