Mổ xẻ tour giá rẻ

Du khách Trung Quốc tham quan Ðại Nội Huế. Ảnh: Như Ý
Du khách Trung Quốc tham quan Ðại Nội Huế. Ảnh: Như Ý
TP - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thêm một lần nữa đăng đàn mổ xẻ các hình thức, mối nguy hại của tour giá rẻ - biến tướng là tour 0 đồng- đối với hình ảnh du lịch Việt Nam.

Nguy hại

Trong buổi họp thông báo tình hình du lịch 9 tháng đầu năm, ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam nhắc tới vấn đề nóng được quan tâm thời gian qua-tour giá rẻ. Ông Phương phân tích, tour giá rẻ là hình thức cạnh tranh bằng giá theo cơ chế thị trường, cách bán hàng với giá tour cơ bản thấp bao gồm dịch vụ tối thiểu tại điểm đến, tuy nhiên khách được khuyến khích sử dụng các dịch vụ mua sắm, ăn uống và vui chơi giải trí đi kèm. Loại tour này chỉ áp dụng cho một phân khúc thị trường nhất định, cho nhóm khách có thói quen đi theo đoàn và chi tiêu nhiều cho mua sắm hàng hoá, dịch vụ ngoài tour.

“Tour giá rẻ bản thân nó không có tội, nhưng khi chúng ta có hành vi vi phạm tạo ra sản phẩm tour giá rẻ lúc đó sẽ vi phạm pháp luật”, ông Phương nói. Tour giá rẻ xuất hiện trong bối cảnh cạnh tranh du lịch gay gắt trong khu vực, trên thế giới. Không riêng Việt Nam, Thái Lan cũng đau đầu với hình thức tour giá rẻ này. Mặt tích cực của tour giá rẻ ở chỗ khách du lịch vẫn phải chi trả dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan, vận chuyển và dịch vụ khác tại điểm đến nên vẫn tạo ra doanh thu, việc làm cho điểm đến.

Hai loại tour giá rẻ theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn làm phương hại tới hình ảnh du lịch Việt Nam là tour ngắn ngày, cắt giảm chương trình và ép khách vào điểm mua sắm khép kín chuyên bán hàng kém chất lượng, giá thành cao gấp nhiều lần. Loại tour đi theo đường bộ vào Việt Nam thường do các công ty lữ hành nước ngoài dù thu đủ tiền của khách nhưng bán lại khách khi qua biên giới cho công ty lữ hành, hướng dẫn viên Việt Nam với giá rẻ, 0 đồng. Phía Việt Nam ép khách vào các điểm mua sắm để lấy chi phí này bù cho các dịch vụ cơ bản theo chương trình ký kết. Tiêu cực ở chỗ khách phải mua hàng giả, hàng chất lượng thấp giá cao, mua trực tiếp bằng ngoại tệ, kinh doanh trốn thuế trong các điểm mua bán khép kín. Hình thức này không chỉ làm méo mó hình ảnh du lịch Việt Nam, nó gây thiệt hại trực tiếp tới doanh thu của ngành.

Mạnh tay dẹp loạn

Ông Nguyễn Quý Phương nhắc tới loạt giải pháp như nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, tăng cường kiểm soát các cửa hàng hoạt động kinh doanh trái phép mang tính lừa đảo thường do người nước ngoài núp bóng điều hành, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng hàng hoá, rút giấy phép hoạt động đối với doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên vi phạm nghiêm trọng. Để ngăn chặn sự thất thu thuế, Tổng cục Du lịch đề xuất địa phương quan tâm tới xu hướng thanh toán, giao dịch trực tuyến của du khách thông qua thiết bị chấp nhận thẻ, thanh toàn bằng quét mã, các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh mà không cần qua hệ thống ngân hàng-vi phạm quy định pháp luật về quản lý và thanh toán ngoại tệ tại Việt Nam.

“Ở đây có hai nút thắt để duy trì sự tồn tại của hình thức tour giá rẻ-một là các cửa hàng khép kín hoạt động trái phép, thứ hai sự tiếp tay công ty lữ hành, hướng dẫn viên du lịch Việt Nam. Chúng tôi tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề với các bộ, ban ngành liên quan và kịp thời tham mưu văn bản đề xuất Bộ VHTTDL hướng dẫn địa phương xử lý hành vi vi phạm pháp luật này. Tổng cục có khoảng 100 con người nhưng không có thanh tra, không đủ thẩm quyền để làm thay địa phương được”, ông Nguyễn Văn Tuấn nói. Từ 2015, Bộ VHTTDL có văn bản xung quanh việc xử lý các hành vi vi phạm, biến tướng của tour giá rẻ ở các địa phương.

Người đứng đầu địa phương phải có trách nhiệm xử lý các hiện tượng biến tướng tour 0 đồng. “Địa phương có đầy đủ lực lượng từ thuế, quản lý thị trường tới các đơn vị chức năng để xử lý vi phạm. Thực tế thời gian qua một số nơi như Quảng Ninh làm mạnh tay, tôi tin các tỉnh thành khác làm được. Khánh Hoà, Đà Nẵng vừa rồi cũng làm mạnh tay. Có thực tế là nếu chúng ta làm mạnh nó dịu xuống, buông lỏng một chút tour giá rẻ lại bùng lên”, ông Tuấn nói.

Xử lý mạnh tay đối với tour giá rẻ, tour 0 đồng không chỉ tránh gây tổn hại tới doanh thu của ngành, hơn hết nó góp phần nâng cao hình ảnh, chất lượng du lịch Việt Nam. Nhiều chuyên gia du lịch chia sẻ câu chuyện Thái Lan lâu nay muốn thu hút đông đảo du khách quốc tế nên xây dựng hình ảnh du lịch giá rẻ, tới nay họ muốn thay đổi điều này nhưng không mấy dễ dàng. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trong phiên họp Ban chỉ đạo Năm Du lịch quốc gia 2019 ngày 16/10 đánh giá cao sự tăng trưởng du lịch Việt Nam, tuy nhiên lưu ý các địa phương cần chú ý nâng cao chất lượng du khách quốc tế bên cạnh tăng trưởng số lượng.

Chất lượng khách quốc tế có cải thiện

Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, chất lượng khách quốc tế đến Việt Nam thời gian qua được cải thiện. Cụ thể, mức chi tiêu bình quân một ngày của khách quốc tế đều tăng từ 10-28% khi khảo sát thị trường khách Hàn Quốc, Trung Quốc tương đương 171,5 USD và 130,1 USD. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường không năm 2017 chiếm 84,4%. Tổng thu từ khách quốc tế năm 2017 đạt 316 nghìn tỷ đồng, tăng 31% so với năm trước.

Tổng khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đạt 11,7 triệu lượt, tăng 22,9%, tổng thu từ du lịch tăng 20%. Lãnh đạo ngành du lịch tin rằng trong 3 tháng cuối năm, du lịch Việt Nam có thể đạt tới con số 94 triệu lượt khách, trong đó 16 triệu lượt khách quốc tế như chỉ tiêu Chính phủ giao. Trong khi đó Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng với đà phát triển này, du lịch Việt Nam sớm bắt kịp Indonesia, đạt được một nửa như quốc gia du lịch Thái Lan.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.