Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính):

Mời doanh nghiệp vận tải và sữa lên làm việc!

TP - Ba đoàn kiểm tra sẽ mời các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và kinh doanh sữa tại các địa phương lên để làm rõ vấn đề giá của hai loại hàng hóa này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) tiết lộ với PV Tiền Phong chiều 13/11.
Mời doanh nghiệp vận tải và sữa lên làm việc! ảnh 1

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá.

Như tin đã đưa, ngay sau khi báo Tiền Phong có bài liên quan đến trách nhiệm cơ quan quản lý về giá cước vận tải, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi không giảm (ra ngày 12/11), bộ trưởng tài chính đã quyết định thành lập 3 đoàn kiểm tra nhằm làm rõ thực trạng để xử lý.

Các đoàn kiểm tra bao gồm các cơ quan nào, thưa ông?

Hiện bộ trưởng chỉ đạo rất quyết liệt phải làm rõ thực trạng giá hai lĩnh vực này. Ba đoàn kiểm tra sẽ do các lãnh đạo Cục Quản lý Giá làm trưởng đoàn đến các địa phương làm việc trực tiếp với lãnh đạo Sở Tài chính, phòng giá. Trong đoàn còn có các đơn vị liên quan như Sở GTVT, Chi cục Quản lý thị trường, Cục Thuế tại địa phương. Đặc biệt sẽ mời một số đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị sản xuất kinh doanh sữa lớn, trọng điểm trên địa bàn địa phương đến làm việc trực tiếp.

Hiện có khó khăn gì khi phối hợp với các cơ quan liên quan?

Đầu tiên chúng tôi sẽ phối hợp với bên GTVT làm rõ giá cước vận tải. Sau đó, các đoàn sẽ trực tiếp mổ xẻ về giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tại địa phương.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá

Không có khó khăn gì. Đầu tiên chúng tôi sẽ phối hợp với bên GTVT làm rõ giá cước vận tải. Sau đó, các đoàn sẽ trực tiếp mổ xẻ về giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tại địa phương. Thực tế, ngay khi Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ GTVT về việc tăng cường công tác quản lý giá cước vận tải, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT địa phương, đặc biệt là Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải thực hiện rà soát, tính toán lại giá cước vận tải và điều chỉnh phù hợp với giá giảm nhiên liệu trong nước thời gian qua. Ngoài ra, Bộ này còn yêu cầu các Sở GTVT phải báo cáo lên Bộ trước ngày 15/12/2014.

Hướng xử lý trong trường hợp phát hiện “chây ì” giảm giá?

Các đoàn sẽ nắm bắt tình hình cụ thể, xác định xem doanh nghiệp kinh doanh vận tải và kinh doanh sữa được mời lên làm việc có yếu tố tiết giảm đầu vào mà không giảm giá cước như báo chí đã nêu. Sau đó thông báo kết quả công khai và là cơ sở để Cục xử lý nếu doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm quy định nhà nước về giá.

MỚI - NÓNG