Một dự án ở Bình Thuận: “Cầm đèn chạy trước ô tô” 5 năm

Một dự án ở Bình Thuận: “Cầm đèn chạy trước ô tô” 5 năm
TP - Tỉnh Bình Thuận đang thực hiện Dự án tái định cư Phan Sơn – Phan Lâm để chuẩn bị cho dự án thủy lợi Phan Rí – Phan Thiết sử dụng nước sau thủy điện Đại Ninh.
Một dự án ở Bình Thuận: “Cầm đèn chạy trước ô tô” 5 năm ảnh 1
Khu tái định cư còn ngổn ngang

Dự án bố trí tái định cư cho 751 hộ dân dự kiến bị ngập nước bởi việc xây dựng hồ sông Lũy. Nhưng tháng 5/2006, Bộ NN & PTNT đã  quyết định phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi nên 2 xã này chỉ có khả năng ngập nước sau năm 2011 hoặc lâu hơn thế.

Ngổn ngang khu tái định cư

Dự án tái định cư, định canh Phan Sơn và Phan Lâm tổng vốn đầu tư 149 tỷ đồng, khởi động từ năm 2004 gồm nhiều hạng mục: Xây dựng 615 căn nhà cấp 4, trụ sở UBND xã, trường học, nhà trẻ, trạm y tế, hệ thống đường, điện, nước, khai hoang đất sản xuất…

Tuy UBND tỉnh chỉ đạo giao nhà cho dân ngày 15/12/2006 nhưng vào cuối tháng 8 này khu tái định cư vẫn đang là một công trường ngổn ngang: Mới xây hơn 500 căn nhà nhưng chỉ lợp mái được khoảng 100 căn, nhiều căn chưa trát tường, chưa lắp vì kèo; hệ thống đường nội bộ, cấp thoát nước, điện chiếu sáng và các công trình công cộng chưa thi công…

Quá trình thực hiện dự án, ngay từ khâu khảo sát thiết kế đã liên tục thay đổi: Thay đổi vì kèo, xà gồ từ gỗ sang thép; thay đổi kết cấu móng nhà, chiều cao; thay tôn giả ngói bằng tôn kẽm; bổ sung thép trụ cổng…

Trong quá trình thi công, các đơn vị xây dựng lại tự ý dùng thép tiết diện nhỏ, rút bớt thép… không đúng thiết kế. Những lần kiểm tra, chỉnh sửa thiết kế, thay đổi vật liệu lại phải chờ phê duyệt khiến dự án càng chậm trễ, lãng phí, gây thiệt hại về kinh tế vì dự án không còn dừng ở mức vốn 149 tỷ đồng.

Điều đáng nói nữa là công trình xây dựng “nhà phố tập trung” này không phù hợp tập quán sinh sống của bà con dân tộc thiểu số và thực hiện theo… qui trình ngược: Xây nhà trước khi xây dựng hạ tầng (đường, điện, nước).

Trao đổi với lãnh đạo 2 xã, Chủ tịch UBND xã Phan Lâm – Mang Tha và Chủ tịch UBND xã Phan Sơn – K Bé cho biết sẵn sàng đưa dân đến nơi ở mới bất cứ lúc nào nhưng tối thiểu phải có điện và nước sinh hoạt.

Nhưng hiện trường học, trạm y tế, nhà làm việc của chính quyền  còn trên bản vẽ. Sau khi về nơi ở mới, việc học hành, đau ốm, sản xuất, giải quyết hành chính… bà con vẫn phải trở về cơ sở cũ?

Lãng phí?

Ngày 24/5/2006, Bộ NN& PTNT có quyết định phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thủy lợi Phan Rí – Phan Thiết giai đoạn 1. Tổng mức đầu tư theo mặt bằng giá thời điểm quý 3/2005 là 1.113 tỷ 207 triệu đồng, trong đó vốn vay JBIC (Nhật Bản) là 724 tỷ 369 triệu 611 ngàn đồng.

Theo đó, công trình đầu mối đập dâng xây dựng trên sông Lũy thuộc địa phận xã Phan Lâm, cấp nước tưới cho 15.700 ha đất canh tác thuộc đồng bằng Phan Rí và cấp nước phục vụ dân sinh.

Như vậy trong giai đoạn 1 của dự án chưa xây dựng hồ sông Lũy, đồng nghĩa hai xã chuẩn bị di dân chưa bị ngập.

Thời gian thi công giai đoạn 1 là 4 năm kể từ ngày khởi công. Nếu các bước đấu thầu hoàn tất vào cuối năm nay để đầu năm 2007 khởi công thì đến cuối năm 2011 mới hoàn thành (nếu đúng tiến độ).

Sau đó, nếu triển khai xây dựng hồ sông Lũy thì 2 xã Phan Sơn và Phan Lâm mới chìm trong lòng hồ này, còn vì lý do nào đó mà chưa thực hiện thì không biết đến bao giờ 2 xã này mới hoàn toàn nằm trong vùng ngập nước.

Chắc chắn là mỗi hộ dân ở 2 xã Phan Sơn và Phan Lâm sẽ có 2 căn nhà, một ở làng cũ và một ở khu tái định cư. Và người dân sẽ chọn nơi ở nào thuận lợi cho việc sinh hoạt, học tập, sản xuất của mình. 

MỚI - NÓNG