Một gánh hai vai vì người gửi tiền

Một gánh hai vai vì người gửi tiền
TP - Câu hỏi khiến nhiều người dân, tổ chức khá băn khoăn thời gian qua là việc tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hoặc có trường hợp đổ vỡ xảy ra có làm tiền gửi ngân hàng của người dân bị mất? Câu trả lời rõ ràng: Không.

> Giao lưu trực tiếp về chính sách bảo hiểm tiền gửi
> Người “gác gôn” bảo vệ tiền gửi của người dân và ngân hàng

Bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Những tin đồn thêu dệt về việc ngân hàng này nợ xấu lớn, tổ chức tín dụng kia làm ăn không hiệu quả, có nguy cơ phải sáp nhập hoặc sẽ phá sản xuất hiện khá nhiều thời gian qua, khiến không ít người dân, tổ chức cảm thấy hoang mang, lo lắng.

Không lo lắng làm sao được khi với nhiều người dân, tổ chức, tài sản tiền gửi ngân hàng, tiền góp vốn vào các tổ chức tín dụng là thành quả chắt chiu nhiều năm ròng rã, phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có được.

Với suy nghĩ “chẳng may…”, không ít người dân chột dạ, đã vội vã lao đến ngân hàng rút tiền trước hạn, thậm chí chấp nhận thiệt, mất lãi suất, mà chả cần biết những tin đồn kia chính xác đến đâu.

Thực tế chứng minh, nhiều người dân đã hứng hậu quả từ việc thiếu kiểm chứng thông tin cũng như không biết đến thông tin tiền gửi tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng luôn được Chính phủ mà thay mặt là Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTG) bảo vệ. Trong trường hợp xấu nhất xảy ra nếu có ngân hàng nào đóng cửa, BHTG sẽ là cơ quan sẵn sàng đứng ra chi trả cho người dân.

Theo TS. Đinh Dũng Sỹ, Văn phòng Chính phủ, người gửi tiền là những người rất dễ bị tổn thương nhưng lại không có khả năng tự bảo vệ mình, vì những thiệt hại của họ không đến từ chính bản thân họ mà đến từ rủi ro của những ngân hàng và các định chế tài chính kinh doanh bằng đồng tiền của họ.

Do vậy, để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, nhất là những người gửi tiền nhỏ, ít có khả năng tự bảo vệ cần phải có một tổ chức đứng ra bảo hiểm cho tiền gửi của họ.

Chính vì vậy, BHTG ra đời và thực hiện đồng thời chức năng bảo hiểm cho tiền gửi của những người gửi tiền ở các tổ chức có huy động tiền gửi của dân chúng. Trong trường hợp tổ chức tham gia BHTG bị phá sản thì tổ chức BHTG đứng ra chi trả tiền bảo hiểm cho người dân.

Để thực hiện chức năng này, tổ chức BHTG tiến hành các nhiệm vụ như: cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cho các tổ chức tham gia BHTG; thu phí bảo hiểm; cung cấp thông tin, tư vấn cho người gửi tiền; thực hiện nhiệm vụ chi trả bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm bị phá sản và cuối cùng là tham gia xử lý (thanh lý và thu nợ) đối với tổ chức tham gia BHTG bị đóng cửa.

Cùng với đó, BHTG còn có chức năng giám sát, đánh giá rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG, góp phần bảo đảm an toàn và sự phát triển bình thường của hệ thống tài chính – tín dụng. Tính đến thời điểm này, trên thế giới đã có hơn 100 quốc gia có tổ chức BHTG và khoảng 20 quốc giá khác đang xúc tiến việc nghiên cứu thành lập tổ chức này.

Cái neo của nền kinh tế

Có thể nói, mặc dù quá trình tái cấu trúc ngân hàng đang bắt đầu, nhưng người dân vẫn luôn yên tâm bởi pháp luật bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền ra đời và phát huy tác dụng trong 12 năm qua.

Với quy định rõ ràng: quyền lợi của người gửi tiền được bảo vệ trong mọi tình huống. Đặc biệt là khi tổ chức tín dụng bị giải thể, phá sản, thì các khoản tiền của người dân gửi tại đây đều được trả đầy đủ cả gốc và lãi trong thời gian ngắn.

Đánh giá về hoạt động của BHTG dưới góc độ là người từng đứng đầu ngành Ngân hàng trong nhiều năm, TS Cao Sỹ Kiêm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ: “Khi chúng ta bắt đầu bước vào kinh tế thị trường, không có BHTG, không có trích rủi ro. Lúc đó ngân hàng có vấn đề thì tự ngân hàng phải đứng ra “chịu trận”.

Với sự đổ vỡ hàng loạt của các hợp tác xã năm 1990, chúng ta mất gần 4 năm để giải quyết vì không có quy định đảm bảo an toàn cho các hoạt động này, dân đòi mà ngân hàng không trả nổi, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình rất quyết liệt. Đây là bài học cay đắng khi chúng ta chưa có hệ thống BHTG”.

Theo ông Kiêm, sau khi đi vào hoạt động năm 1999, BHTG trở thành một trong những định chế tài chính thiết yếu, là “cái neo” an toàn đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Khi quyền và lợi ích của người gửi tiền được bảo vệ cũng là khi hoạt động của các tổ chức tín dụng và ngân hàng ổn định, an toàn và phát triển.

Đồng quan điểm, TS Trần Du Lịch, UB Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, trong thực tế, hoạt động của BHTGVN đã tạo được niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng, không để xảy ra hiện tượng rút tiền hàng loạt, gây bất ổn xã hội thậm chí dẫn đến đổ vỡ hệ thống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Khi tổ chức tín dụng càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu thì vai trò tổ chức BHTG càng được khẳng định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG