Một người Mỹ là 'bà đỡ' cho nhiều thương hiệu Việt

Một người Mỹ là 'bà đỡ' cho nhiều thương hiệu Việt
TP - Năm 1993, khi tổ chức một hội thảo cho IBM tại Hồng Kông và được nghe nói nhiều về Việt Nam, Giám đốc công ty truyền thông sáng tạo Richard Moore đã tự hỏi: “Tại sao mình không tới Việt Nam xem sao?”
Một người Mỹ là 'bà đỡ' cho nhiều thương hiệu Việt ảnh 1
Richard Moore tại trụ sở của công ty ở Hà Nội

Thế là ngay sau hội thảo, ông đáp chuyến bay tới du lịch Việt Nam và gắn bó với Việt Nam từ đó đến nay.

Nhắc đến Richard Moore, người ta biết đến ông như một chuyên gia tư vấn về xây dựng và duy trì thương hiệu cho các doanh nghiệp hàng đầu ở Mỹ trong suốt hơn 30 năm qua như IBM, AT&T, Citybank ...

Còn ở Việt Nam, Richard Moore đã có gần 15 năm gắn bó với các thương hiệu như TransViet, VinaSoy, Protect, Laska... Có những doanh nghiệp Việt Nam mời ông làm tư vấn thương hiệu cho họ suốt 14 năm qua bởi lẽ, xây dựng thương hiệu đã khó, giữ gìn thương hiệu đó cũng khó khăn không kém phần.

Bản sắc thương hiệu

Có lẽ bài học thương hiệu đầu tiên mà Richard Moore đã học được bắt nguồn từ thời gian ở Nhật những năm 1959 - 1965. Khi đó hàng hóa Nhật chất lượng rất tốt nhưng khi về Mỹ, ông nhận thấy người Mỹ vẫn nghĩ rằng hàng hóa nhật Bản chất lượng kém và rẻ tiền. Phải mất 5 năm sau, người Nhật mới xây dựng được hình ảnh về hàng hóa chất lượng tốt của mình trên đất Mỹ.

Vốn là người thiết kế thương hiệu nên khi mới tới Việt Nam, việc đầu tiên là Richard muốn tìm hiểu về các nhà thiết kế Việt Nam. Ông nhận thấy, về khả năng chuyên môn, các nhà thiết kế Việt Nam rất tài ba nhưng họ lại chưa biết tí gì về marketing. Ngược lại, khi tiếp xúc với các nhà marketing, ông nhận thấy họ cũng không biết gì về thiết kế.

Ông tự hỏi, tại sao mình không là cầu nối cho các nhà thiết kế và marketing liên kết với nhau? Thế là Richard đã liên hệ với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tại Hà Nội và TPHCM và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các cơ quan này.

Ông trở lại Mỹ thu thập thêm tài liệu và trở lại Việt Nam 6 tháng sau đó cùng với rất nhiều thiết kế của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Một hội thảo đầu tiên về thương hiệu tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM đã được tổ chức với kết quả thành công vượt ngoài sự mong đợi. Richard nhận ra rằng, ở đây ông không chỉ có cơ hội giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam mà còn là cơ hội tốt để kinh doanh.

Những thương hiệu đầu tiên tại thị trường Việt Nam mà Richard Moore bắt đầu xây dựng là những dự án cho các tổ chức phi Chính phủ như dự án tuyên truyền bao cao su Trust và hàng gia dụng cho tập đoàn nước ngoài Electrolux Việt Nam.

Do thời điểm đó, việc xây dựng hình ảnh thương hiệu còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nên đối với Richard “vạn sự khởi đầu nan” là lẽ tất yếu. Các chủ doanh nghiệp còn khá e dè trong việc tiếp cận thị trường khi vẫn chỉ cho rằng, chất lượng hàng hóa là yếu tố then chốt

Richard Moore Associates (RMA) là một công ty truyền thông marketing có trụ sở tại New  York và Hà Nội. RMA được tái thành lập vào năm 1990 từ công ty tiền thân là  Muir Cornelius Moore được thành lập năm 1975. RMA bắt đầu phục vụ khách hàng Việt Nam từ năm 1994. Công ty trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nước ngoài này có trụ sở tại Hà Nội. RMA luôn nỗ lực hợp tác với các nhân tài Việt và tích cực tham gia vào các bài giảng, chuyên đề, hội thảo và các dự án giáo dục tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. RMA vốn nổi tiếng nhờ khả năng tối đa hóa hiệu quả thương hiệu thông qua việc tạo ra những tài liệu truyền thông marketing phối hợp ăn khớp trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng.

Trong thời gian đầu, khó khăn nhất là làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức ra giá trị và tầm quan trọng của thương hiệu. Để làm được điều này, phải mất khá nhiều thời gian và công sức bởi lẽ người Việt Nam vốn chưa quen với môi trường tiếp thị và truyền thông phát triển như ở Mỹ.

Với sự tư vấn của công ty Richard Moore Associates, các thương hiệu như Laska, TransViệt, Cavico, Ngân hàng Đông Á, VinaSoy... đã dần trở nên quen thuộc trên thị trường và khẳng định được chất lượng của mình bằng những chiến lược dài hơi nhưng cũng đầy bản sắc riêng.

Kể từ khi bắt tay giúp đỡ xây dựng thương hiệu cho VinaSoy cách đây 2 năm, Richard Moore nhận thấy họ chỉ có duy nhất dòng sản phẩm Fami.

Ông khuyên họ nên xây dựng thương hiệu mẹ và VinaSoy đã ra đời từ đó. Cùng với Fami, còn có nhiều dòng sản phẩm của VinaSoy được tung ra thị trường. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập công ty vừa qua, văn hóa thương hiệu đã thấm nhuần tới các thành viên công ty, hình ảnh của VinaSoy đã xuất hiện ở khắp mọi nơi.

Qua chặng đường gần 15 năm gắn bó với các thương hiệu Việt Nam, Richard Moore nhận thấy giờ đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng hình ảnh thương hiệu.

Nếu như nước Mỹ có kinh nghiệm hơn 100 năm xây dựng thương hiệu thì công việc này ở Việt Nam còn khá non trẻ. Để có thể bắt kịp với thế giới lâu hay chậm còn tùy thuộc vào từng doanh nghiệp, nhưng Richard tin rằng, người Việt Nam thông minh, sáng tạo, việc xây dựng thương hiệu chắc sẽ phát triển nhanh.

Việt Nam - Một môi trường đầy tính khám phá

“Kể từ khi tới Việt Nam, tôi bắt đầu tìm thấy nhiều điều thú vị. Tôi thấy có nhiều bí ẩn ở đất nước bạn mà tôi chưa có thời gian khám phá hết. Khác với New York, mỗi lần ra khỏi cửa, đi trên đường phố Hà Nội hay TPHCM, tôi thấy cái gì cũng đầy bí ẩn đối với tôi. Điều đó cuốn hút tôi khiến tôi vẫn ở đây từ đó tới giờ”. Richard Moore tâm sự.

Với công việc luôn bận rộn, quỹ thời gian của Richard Moore luôn phải chia làm hai: một nửa ở Mỹ, một nửa ở Việt Nam.Ông chỉ có thể ở Việt Nam hai tháng , rồi lại phải trở về Mỹ giải quyết công việc ở New York hai tháng. Do đó, ông tự nhận thấy, 15 năm đã sắp trôi qua, nhưng thời gian để tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam còn quá ít.

Trả lời câu hỏi, ông sẽ còn ở Việt Nam đến bao giờ, Richard Moore cười nói:“ Khi còn trẻ, tôi đã định ở lại Nhật Bản 60 ngày, vậy mà ở lại tới 6 năm. Còn Việt Nam, tôi cũng chỉ đi du lịch vài ngày, vậy mà đã ở tới gần 15 năm và tôi muốn ở lại lâu hơn nữa để tiếp tục khám phá đất nước đầy bí ẩn của các bạn”.

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.